Người đời có câu: “Ở sao cho vừa lòng người, ở rộng người cười, ở hẹp người chê”.
Quả nhiên, trong cuộc sống mỗi chúng sinh như chúng ta, chắc không thể nào tránh khỏi những chuyện thị phi phiền trượt. Người biết đạo lấy đó làm bài học kinh nghiệm để tự sửa đổi mình. “Hãy cảm ơn kẻ luôn chỉ trích và tìm cách phản bác ta. Vì nhờ chính họ mà ta tự khắc phục, sửa đổi cho mình ngày càng hoàn thiện hơn”. Nhưng phần đông thì không thể làm được như vậy. Đau khổ, dằn vặn, u buồn nếu như là người chưa tự tin lắm vào bản thân mình, hoặc giận dữ, thù hằn nếu người luôn cho rằng mình là đúng. Người đời ai mà dám nói rằng mình là người hoàn thiện. Ấy không phải chỉ vì sự khiêm tốn mà còn vì mấy ai học được chữ ngờ khi mà cái luật Nhân – Quả của nhà Phật chúng ta chưa thông hiểu và ứng dụng được bao nhiêu trong cuộc sống?
Làm người ngoài đời đã khó, người tu hành còn khó hơn gấp bội. Bởi vì khi khoác trên mình chiếc áo người tu thì các Tăng, Ni đã được đặc ân hết sức to lớn là nhận được lòng tin tưởng và kính trọng của người đời nhờ những phẩm hạnh hết sức tuyệt vời mà Đấng Thế Tôn đã để phước báu của mình cho hàng đệ tử. Họ là hiện thân của sự xa lánh những thứ tham, sân, si, ngũ trượt mà con người hết buông lại nhặt, hết nhặt lại buông không bao giờ dứt. Có lẽ chính vì sự ngưỡng vọng quá lớn đó nên người đời thường kỳ vọng người tu lúc nào cũng phải giữ được hình ảnh như họ đã “đo ni, đóng hòm”.
Vì thế, cái khó của người tu là phải tự thân học tập, tu hành để chuyển hóa thân tâm, giác ngộ được chân lý Đạo mầu của sự giải thoát, vừa phải sống làm sao cho vừa lòng người. Ấy mới có chuyện rất tức cười mà chúng tôi đã tận mắt chứng kiến.
Có 1 vị thầy, đi cùng với gia đình Phật tử đến trung tâm mua sắm. Người thầy định mua một món đồ mà không am hiểu nên đi cùng với gia đình Phật tử quen thân để được giúp đỡ. Thế nhưng khi đến nơi, người thầy bước ra trước, tiếp sau là 2 mẹ con, người đàn ông còn ở trong xe. Không cần tìm hiểu, người chạy xe ôm ngồi trên chiếc xe máy phán xét: “Thầy chùa mà đưa vợ con đi mua sắm kìa”. Chúng tôi cảm thấy bất bình trước lời nói hết sức vô tâm của người đàn ông, thế nhưng kịp thời nghĩ lại “Không khéo mình lại bị những lời ma nghiệp này lôi vào vòng sân si, như vậy thì đâu phải là người hiểu đạo”. Nhưng mà rồi lại không cam tâm bởi lời nói sao mà ác quá vậy. Nghĩ suy thêm một chút nữa thôi thì đã là người tu thì phải hết sức giữ ý, cẩn thận tránh sự thi phi, điều tiếng.
Mà cũng khó, bởi đúng như cái câu “ở sao cho vừa lòng người”. Đâu phải làm gì mới bị điều tiếng, có khi không làm gì cũng bị lời qua tiếng lại đến không biết đâu mà lần. Có khi câu chuyện đã xa rời thực tế đến một trời một vực sao nhiều lần “tái bản”. Nói đến đây, chúng tôi lại nhớ đến câu: “Bớt một câu thị phị, thêm một lời niệm Phật”. Giá mà ai cũng có thể hiểu được điều đó. Người không biết đạo, để cho vòng thị phi thao túng đã đành, còn ở người tu hành mà để lời thị phi thao túng thì buồn thật, phải không?!
Nhắc nhau như vậy để có ý thức thật cao trong việc giữ gìn phẩm hạnh của mình tránh những sự vô tình để người khác lấy đó làm sự thị phi. Bởi vì thật hạnh phúc và danh dự vô cùng khi khoác lên mình chiếc áo huỳnh y giải thoát. Vấn đề còn lại là sống làm sao cho thật xứng đáng với sắc áo mà mình đã chọn để khỏi thẹn với lòng, với người, với đời và với Đấng Thế tôn mà ta trọn đời mang ơn!