28 năm chưa phải là dài nhưng đã đủ để Phật giáo tỉnh nhà khẳng định bản chất, phương châm hoạt động đúng đắn, từng bước củng cố và đạt được nhiều thành tựu hết sức nổi bật. Nhìn lại chặng đường phát triển từ sau sự kiện thống nhất Phật giáo cả nước, tiến tới thống nhất Phật giáo Sông Bé – Bình Dương đến nay Phật giáo tỉnh nhà đã khẳng định được vị thế, tên tuổi và tầm vóc hoạt động, tạo được tiếng vang rất tốt trong sự nhìn nhận bạn bè trong và ngoài tỉnh.
“Đồng hành cùng dân tộc”
Trước nhu cầu thống nhất các hệ phái Phật giáo về một mối, đáp ứng nhu cầu phát triển chung, ngày 7-11-1981, tại chùa Quán Sứ, thủ đô Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức được thành lập. Phương châm phát triển được lựa chọn chính là “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Tại sao lại là phương châm như thế chứ không là một phương châm khác? Thượng tọa Thích Huệ Thông, Quyền Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội lý giải: “Đảng và Nhà nước ta xác định phát triển đất nước theo định hướng chủ nghĩa xã hội là nhằm mục đích duy nhất là mang lại ấm no, hạnh phúc, người người sống an vui, thanh bình. Xét về góc độ này, mục đích xây dựng đất nước ta là tương đồng với tinh thần giải thoát, giúp mọi người đạt đến sự an lành, hạnh phúc trong cuộc sống. Vì thế, phương châm “đồng hành cùng dân tộc” của Phật giáo là hoàn toàn phù hợp”.
Tuy nhiên, phải 2 năm sau đó, vào mùa xuân năm 1983, Phật giáo Sông Bé – Bình Dương mới tổ chức đại hội thống nhất các hệ phái trong tỉnh vào ngày 8-1, tại Tổ đình chùa Hội Khánh. Từ đó đến nay, qua 28 năm hoạt động, PGBD luôn trung thành với sự nghiệp phát triển và đồng hành cùng với dân tộc nói chung, và sự phát triển của tỉnh nhà nói riêng. Điều đó biểu hiện qua việc tăng, ni, phật tử luôn thực hiện đúng chủ trương, chính sách phát triển của địa phương; tổ chức nhiều sự kiện lớn thể hiện được tầm vóc và sự phát triển vượt bậc của tỉnh nhà; góp phần cùng với tỉnh nhà thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu quan trọng trong sự nghiệp an sinh xã hội, chăm lo cho người dân nghèo bằng rất nhiều các hoạt động từ thiện xã hội thiết thực và đầy ý nghĩa.
Phát triển toàn diện về mọi mặt
Nói đến một trong những thành tựu của Phật giáo là có thể nói đến các hoạt động từ thiện xã hội. Sư cô Thích nữ Pháp Như, chùa Tây Thiên, TX Dĩ An cho biết: “Điều đó xuất phát từ tinh thần “từ bi cứu khổ” của Đạo Phật. Cũng với tinh thần đó, mà đông đảo tăng, ni, phật tử đều hăng hái, tích cực tham gia làm nhiều việc thiện giúp người”.
Phải nói rằng, từ khi được thành lập cho đến nay, trải qua 7 nhiệm kỳ, ngành từ thiện Phật giáo Sông Bé – Bình Dương đã rất tích cực tham gia các phong trào từ thiện tại địa phương; các hoạt động tương thân, tương ái tại các vùng thiên tai, lũ lụt; hỗ trợ mổ tim miễn phí, tặng xe lăn, xe lắc cho người tàn tật. Tăng, ni, phật tử trên khắp các địa bàn huyện, thị còn tổ chức rất nhiều các hoạt động chia sẻ với người nghèo khó, bệnh tật như khám bệnh phát thuốc miễn phí, duy trì “nồi cơm nhân ái”, “nồi súp tình thương”, xây dựng CLB tán trợ, tặng nhà tình thương, tình nghĩa, chăm lo cho các gia đình chính sách, mẹ Việt Nam anh hùng… Tổng kinh phí cho các hoạt động từ thiện xã hội nhiệm kỳ sau luôn tăng cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Cụ thể, ở nhiệm kỳ I, kinh phí dành cho công tác từ thiện là 3 tỷ đồng; nhiệm kỳ II là 4,5 tỷ đồng; nhiệm kỳ III là 5,5 tỷ đồng; nhiệm kỳ IV là 6 tỷ đồng; nhiệm kỳ V là 8 tỷ đồng; nhiệm kỳ VI là 14 tỷ đồng; nhiệm kỳ VII hơn 40 tỷ 500 triệu đồng. Tổng cộng là 81 tỷ 500 triệu đồng.
Những con số biết nói ấy, cho thấy sự quan tâm và chú trọng rất mực trong các hoạt động từ thiện của cộng đồng Phật giáo. Liệu như vậy, họ có xem nhẹ các mảng công tác Phật sự khác? Thượng tọa Thích Huệ Thông, Quyền Trưởng Ban trị sự Tỉnh hội khẳng định: “Chúng tôi phát triển toàn diện về mọi mặt, chứ không xem nhẹ lĩnh vực nào. Hoạt động trùng tu cơ sở tự viện, các ngành giáo dục, nghi lễ, văn hóa, hoằng pháp… đều có sự phát triển đồng đều”.
Rõ ràng là song hành với sự phát triển, PGBD rất xem trọng ngành từ thiện xã hội, xem đó như là 2 mặt của một vấn đề: Phật giáo phát triển, cũng đồng nghĩa với việc ngày sẽ càng có nhiều hơn nữa những công trình, phần việc từ thiện giúp ích cho đời mà cộng đồng Phật giáo quyết tâm phát huy hơn nữa trong thời gian tới. Tinh thần đó đã được Phật giáo các huyện, thị hội đưa vào mục tiêu, phương hướng hoạt động của nhiệm kỳ 2011-2016.
Nhìn lại chặng đường phát triển vừa qua, chúng ta có quyền tin tưởng PG tỉnh nhà sẽ còn gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp hơn nữa trong thời gian tới.