GS-TS Trần Văn Khê: Âm nhạc Phật giáo là một phần không thể tách rời với âm
Với nhiều người, nghe Giáo sư - Tiến sĩ (GS-TS) Trần Văn Khê nói về âm nhạc dân tộc đã “thấm thía” và thú vị. Nay lại được nghe ông giảng giải mối liên hệ giữa âm nhạc dân tộc và âm nhạc Phật giáo lại càng thú vị hơn.
Có lẽ vì thế mà buổi nói chuyện của GS-TS Trần Văn Khê tại chùa Hội Khánh vừa qua đã thu hút đông đảo mọi thành phần từ tu sĩ, Phật tử, trí thức... đến tham dự. Và nhận xét chung của mọi người là “đã... vỡ vạc ra được nhiều điều”...
Đề tài “Ngôn ngữ âm nhạc dân tộc gắn liền với âm nhạc Phật giáo” là nội dung chính mà GS-TS Trần Văn Khê đề cập tới. Ông cho rằng, cùng với quá trình du nhập của đạo Phật vào nước ta thì âm nhạc Phật giáo cũng ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tinh thần của người dân Việt. Cụ thể nhất của sự ảnh hưởng, giao thoa này có thể thấy rõ vào đời nhà Lý. Vua Lý Thái Tổ cũng là một nhà sư. Ngài đã “đưa âm nhạc Phật giáo vào cung đình” và như thế, đã có nét giống nhau trong nhạc cụ, nhạc khí qua cách thể hiện ngôn ngữ âm nhạc. Nét khác nhau trong âm nhạc Phật giáo và âm nhạc dân tộc là nhạc không phải để... biểu diễn mà gắn liền với câu kinh tạo nên trạng thái tâm hồn tĩnh lặng, để sẵn sàng đón nhận và thấm nhuần giáo lý Phật giáo một cách sâu sắc. Giải thích thêm cho điều này, GS-TS Trần Văn Khê cho rằng, như tiếng trống trong âm nhạc Phật giáo chẳng hạn, là tiếng trống đánh theo câu kệ. Nghe tiếng trống sẽ “đáo bĩ ngạn”, sẽ đi từ bờ mê đến bến giác (giác ngộ). Hay cách tán trong tụng kinh Bát nhã mới thấy hết được ý nghĩa của nó, đặc biệt là bài tán dương chi “... hỏa diệm hóa hồng liên” (núi lửa thành bông sen hồng).
Điều thú vị là GS-TS Trần Văn Khê đã đưa ra 3 đóng góp lớn của âm nhạc Phật giáo trong âm nhạc dân tộc. Theo ông, thứ nhất, ngôn ngữ âm nhạc Phật giáo có các cách thể hiện như: Tụng, tán, niệm, bạch, hô, thài... Tuy nhiên, điều đáng nói là điệu “thài” của âm nhạc Phật giáo là một nét riêng (không thể thay bằng ca, hát được) dần dần được chuyển sang làm nhạc cung đình. Thứ hai là hơi thiền trong âm nhạc Phật giáo. Trong âm nhạc dân tộc có hơi ai (thể hiện sự buồn bã, bi lụy) nhưng Phật giáo thì “không thể... buồn được nên có hơi thiền để thay thế”. Thế là cũng: xừ, xang, xê, cống, líu, ù... nhưng nghe ra không buồn mà sâu lắng, tự tại. Ông lấy ví dụ như việc ngâm mấy câu thơ tuyệt tác của Thiền sư Thích Mãn Giác thì nhất thiết phải ngâm hơi thiền. (Xuân đi trăm hoa rụng. Xuân đến trăm hoa cười. Trước mắt sự qua mãi. Trên đầu già đến rồi. Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết. Đêm qua sân trước một cành mai). Bởi có ngâm bằng hơi thiền thì những câu thơ trên mới toát lên hết ý nghĩa, không bi lụy mà an nhiên tự tại, tâm hồn bay bổng hơn. Thứ ba là múa Lục cúng trong âm nhạc lễ nghi của Phật giáo đã được dùng làm múa Lục cúng hoa đăng trong cung đình. Từ đó GS-TS Trần Văn Khê khẳng định có sự liên hệ, gắn bó sâu sắc giữa âm nhạc dân tộc và âm nhạc Phật giáo. Rằng, âm nhạc Phật giáo là một phần không thể tách rời với âm nhạc dân tộc...
Hình như kiến thức âm nhạc dân tộc đã hòa vào con người ông nên càng nói GS-TS Trần Văn Khê càng say sưa. Ông cho rằng, đề tài về âm nhạc dân tộc cũng như âm nhạc Phật giáo là... mênh mông. Ông chỉ mong chuyển tải những nét đặc biệt nhất, những so sánh và phát hiện thú vị đến với những người nghe hôm đó. Nhiều Phật tử cho biết, họ từ Biên Hòa, TP.HCM nhưng nghe nói có buổi nói chuyện của ông nên đã đến để nghe bởi họ biết, với tuổi cao sức yếu như hiện nay, những buổi nói chuyện của GS-TS Trần Văn Khê ngày càng hiếm hoi. Riêng ông Nguyễn Hiếu Học, nhà nghiên cứu nhiều lĩnh vực về lịch sử, văn hóa ở Bình Dương cũng nhận xét rằng: “GS-TS Trần Văn Khê là một từ điển sống về âm nhạc dân tộc và những buổi nói chuyện như thế này hữu ích vô cùng bởi khó có thể đọc và tổng hợp được những kiến thức về âm nhạc Phật giáo, âm nhạc dân tộc sâu sắc đến thế...”.
Nhân buổi nói chuyện này, GS-TS Trần Văn Khê còn đưa ra nhận xét độc đáo về sự tương quan trong âm điệu giữa câu tụng kinh với lời hát ru của mẹ... Đây là sự khẳng định về ảnh hưởng, tính phổ biến của âm nhạc Phật giáo vào đời sống tinh thần của dân gian. Ông cũng chỉ ra rằng: “Ông cha chúng ta rất tinh tế trong việc sử dụng mẫu vận để luyến láy như dùng âm “ư” trong hát bội, âm “a” trong tụng kinh và âm “i” trong chèo. Đây cũng là điểm chính để phân biệt giữa các làn điệu, thể loại âm nhạc dân tộc”. Với cách nói chuyện dí dỏm, ông còn đưa ra sự “pha trộn” các loại nhạc khí trong dàn nhạc dân tộc. Theo ông thì trong dàn nhạc lễ không nên có cây đàn ghi-ta phím lõm bởi loại đàn này phù hợp với dàn nhạc cải lương hơn.