Tăng thống Phật giáo các nước đến thăm Phật giáo Bình Dương
Chiều ngày 8-9, Tăng thống Dhammasen Mahathero (Bangladesh), Đức Tăng thống Aggamahasangharajadhipati Tep Vong (Campuchia), Hòa thượng GS.TS. Bhikshu Satyapala (Ấn Độ), Hòa thượng tiến sĩ Theppariyattivimol (Thái Lan) đã đến chào xã giao Thường trực Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Bình Dương và tham quan chùa Hội Khánh, ngôi chùa cổ có niên đại gần 300 năm của tỉnh nhân dịp đến TP.HCM nhận bằng Tiến sĩ Nhân văn danh dự. Tăng thống là những người có những đóng góp lớn đối với sự phát triển của Phật giáo thế giới. Thay mặt Thường trực Tỉnh hội, Hòa thượng Thích Minh Thiện - Trưởng Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Tỉnh bày tỏ sự vinh dự và niềm vui mừng trước sự quan lâm viếng thăm của các vị Tăng thống. Thay mặt đoàn, Đức Tăng thống Aggamahasangharajadhipati Tep Vong (Campuchia) bày tỏ sự phấn khởi khi lần đầu tiên đến Bình Dương và tham quan ngôi chùa có truyền thống Phật giáo lâu đời. Ngài hy vọng, chuyến viếng thăm sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp và tạo thêm nhiều cơ hội để Phật giáo các nước phát triển hoà hợp và mở rộng. Sau đó, đoàn đến tham quan khu Văn hóa lịch sử Đại Nam.
Đôi nét về các Tăng thống
* Tăng thống Dhammasen Mahathero (Bangladesh) là một trong các bậc tôn đức tiên phong trong phong trào phục hưng Phật giáo tại mảnh đất nó được sinh ra vào đầu thế kỷ 20. Hoà thượng tăng thống sinh năm 1928, từ bỏ đời sống thế tục và tiếp nhận giới Cụ túc năm 1947.
Hoà thượng được trao tặng danh hiệu “Tam tạng sư” của đại học Calcutta, là tác giả của hơn 10 tác phẩm về triết học phật giáo và xuất bản nhiều bài nghiên cứu trên các tạp chí, một số trong số ấy được mọi người thán vọng. Đức Tăng thống nỗ lực không mệt mỏi, truyền bá thông điệp bất bạo động và hoà bình của Đức Phật trên khắp thế giới.
Tăng thống là người sáng lập nhiều tổ chức Phật giáo, các trường lớp, tu viện khắp Bangladesh, có công lớn trong nỗ lực phục hưng Phật giáo ở quốc gia này, là người bảo trợ và cố vấn của nhiều tổ chức trong nước và quốc tế.
Vì các phật sự và sự dấn thân phụng sự cuộc đời, Tăng thống đón nhận nhiều phần thưởng quốc gia và quốc tế như “Quán quân tâm linh thiêng liêng của Phật giáo” - Miến Điện 2004, “Tam tạng luận sư” - Tích Lan 2004, “Người điển mẫu vì hoà bình thế giới” - Thái Lan 2005, “Đại luận sư Phật pháp” - Ấn Độ 2007, “Huy chương vàng hoạt động tôn giáo” - Bangladesh 2006, “Lãnh tụ Phật giáo thế giới” - Nhật Bản 2008, nhiều huy chương vàng của Banglasesh, Trung Quốc và danh hiệu “bậc trí” của Hội đồng Tăng thống.
* Đức Tăng thống Aggamahasangharajadhipati Tep Vong (Campuchia), học giả văn học, toán học Khmer và văn học Pali, chuyên gia đọc tụng Giới bản và là thiền sư dòng thiền Minh Sát Tuệ. Hoà thượng đi tu năm 5 tuổi, bị Pol Pot cưỡng bức hoàn tục và tra tấn năm 1975-1979, được tái phục giới Tỳ kheo vào ngày 19-9-1979. Hòa thượng được suy tôn là Tăng trưởng Phật giáo Campuchia.
Trong nhiều thập niên thành tựu phật sự, hòa thượng đã giúp đỡ Chính phủ Campuchia tái thiết kế lại hoà bình cho đất nước, cùng với Chính phủ hoàng gia Campuchia, Hoà thượng tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới lần thứ 3 tại Phnom Penh.
Tăng thống đã du hành đến hơn 30 quốc gia, tiếp xúc các lãnh tụ thế giới như đức Dalai Lama thứ 14, đức giáo hoàng John Paul đệ nhị, đức Tăng thống Mông Cổ và ông Kofi Annan, nguyên Tổng thư ký LHQ.
Đức Tăng thống có công trong việc tái thiết hệ thống giáo dục, trường học, Phật học viện, cầu đường, tự viện và bệnh viện; tái cấu trúc hệ thống hành chánh của Giáo hội.
Từ năm 1952 đến nay, Tăng thống đón nhận nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý như Huy chương bạc của vua Norodom Sihanouk, huy chương Assarith Monisaraphaon của vua Suramith, huy hiệu Chroy Changva Bridge của chính phủ hoàng gia Campuchia, huy chương Olympic của hoàng hậu Sisowath Kossomak Nearireath. Đức tăng thống được vua Norodom Sihanouk phong hiệu “Thipadin” và “Mahasirivaddh”, được Chính phủ Miến Điện tặng danh hiệu “Quán quân tâm linh thiêng liêng của Phật giáo” và được Hội Liên hiệp quốc tế và Liên tôn vì hoà bình thế giới thừa nhận là “Đại sứ hoà bình”.
* Hòa thượng GS.TS. Bhikshu Satyapala (Ấn Độ), giảng viên xuất chúng, giáo sư hướng dẫn, người tổ chức, nhà biên tập và người có năng lực hành chính đặc biệt.
Với sự nghiệp giáo dục 28 năm, Hòa thượng đã hướng dẫn 50 luận án tiến sĩ, 66 luận án phó tiến sĩ, 6 luận án hậu tiến sĩ; xuất bản 12 tác phẩm và trên 80 bài nghiên cứu; tổ chức 9 hội thảo quốc tế, 14 hội thảo trong nước; thuyết trình trên 50 hội nghị quốc tế, tổng biên tập của 4 tạp chí, kể cả tạp chí nghiên cứu Phật học. Các nghiên cứu sinh Việt Nam tốt nghiệp tiến sĩ tại khoa Phật học vô cùng cảm phục khả năng hướng dẫn sinh động, nhân cách đặc biệt và năng lực chuyên môn về học thuật của Hoà thượng. Các đóng góp học thuật của Hoà thượng về ngôn ngữ, văn phạm và văn học Pali, triết học Phật giáo, triết học A-tỳ-đàm, tâm lý học Phật giáo và thuyết Mạt thế của Phật giáo Nguyên thủy.
Từ những đóng góp to lớn của hòa thượng cho nhân dân Ấn Độ và thế giới, Hoà thựơng đã được nhiều nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý, trong đó có danh hiệu “Quán quân tâm linh thiêng liêng của Phật giáo” do Chính phủ Miến Điện tặng ngày 10-3-2009 và được Hiệp hội Tăng già Ấn Độ tại Bồ-đề Đạo tràng suy tôn là Tăng thống vào ngày 9-2-2009.
* Hòa thượng tiến sĩ Theppariyattivimol (Sawang Dhammesako) (Thái Lan), nhà hành chính, nhà giáo dục, nhà hoằng pháp. Hòa thượng là hiệu trưởng đại học Phật giáo Mahamakut, Bangkok, Thái Lan, thành viên thư ký của Hòa thượng Quyền Tăng thống Thái Lan. Hòa thượng là người có khả năng xuất sắc về học thuật, hoằng truyền Phật pháp, quản trị và hành chính giáo dục. Hơn thế, Hòa thượng đã dấn thân phụng sự, mang lại lợi lạc và hạnh phúc cho con người, xã hội và Phật giáo.
Hòa thượng là thành viên sáng lập chương trình thạc sĩ của đại học Mahamakut, đồng sáng lập và là phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học Phật giáo nguyên thủy.
Hòa thượng là thành viên danh dự của Hội đồng điều hành trường Đại học Phật giáo thế giới và là Chủ tịch ủy ban Mạng lưới Xã hội gồm 84 nhóm Chính phủ và dân sự, nhằm xây dựng ý thức đạo đức, chống lại tham nhũng; nhà hoằng pháp lớn ở Hoa Kỳ và Thái Lan; chủ dự án di dời đại học Mahamakut đến Salaya thuộc tỉnh Nakhorn Prathom và là chủ tịch tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo thế giới lần thứ IV ngày 1-5-11-2005.
Nhờ vào kỹ năng và đóng góp trong nhiều lĩnh vực, Hòa thượng được trường đại học Mahachulalongkorn tặng bằng tiến sĩ danh dự về Quản trị giáo dục (2009) và chính phủ Miến Điện tặng danh hiệu “Quán quân tâm linh thiêng liêng của Phật giáo”.
Trước khi đến Bình Dương, các Tăng thống đã đến Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM đón nhận bằng Tiến sĩ nhân văn danh dự, chứng minh cho buổi lễ tốt nghiệp và cấp phát văn bằng Cử nhân Phật học khoá VI (2005-2009). Được biết Bình Dương là địa điểm duy nhất mà đoàn viếng thăm nhân chuyến đi này.