Đức Phật qua những lăng kính
Phật là ai? Câu hỏi này thường có đáp án theo hướng miêu tả ngoại diện và liệt kê những phẩm chất, những thần lực thù thắng của Đức Như-lai; cụ thể như đó là vị có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp; có Tam minh, Lục thông, Tứ thần túc, 10 lực, 18 pháp bất cộng; là vị đã tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn với 10 đức hiệu... Rời khỏi đáp án mang tính miêu tả và liệt kê như trên, người hỏi đi vào cảnh giới của nhận thức triết học và tức khắc đụng chạm đến vấn đề bản nguyên và tính chất của vũ trụ. Xuôi theo dòng lịch sử phát triển của tư tưởng Phật giáo, câu hỏi “Phật là ai?” được trả lời từ những góc nhìn hay những khuynh hướng đa dạng và phong phú. Ở đây chúng ta chỉ thoáng qua những đại biểu nổi bật mà thôi.

Phật giáo thời kỳ khởi thủy cho rằng Phật là vị giác ngộ hoàn toàn, tự mình nhận thức được và tuyên thuyết về tiến trình duyên sinh, đồng thời vận dụng tiến trình này theo chiều ngược lại để chứng đạt đạo quả Vô thượng Bồ đề. Nguyên lý duyên sinh cũng là câu trả lời về căn nguyên của thế giới và con người. Đây là một vấn nạn mà triết học phương Tây từ thời tiền Socrate đến nay càng cố gắng trả lời càng làm phát sinh thêm những câu hỏi khác cần phải được trả lời. Theo nếp nhìn của đạo Phật, con người và thế giới không hề tách rời nhau. Tính chất bất khả phân li giữa con người và thế giới được diễn đạt qua câu chuyện thú vị giữa một vị thiên tên là Rohitassa và Đức Phật, đặc biệt là lời tuyên bố ấn tượng: Này hiền giả, Ta tuyên bố rằng: “Tại chỗ nào không bị sanh, không bị già, không bị chết, không có từ bỏ (đời này), không có sanh khởi (đời khác), không có thể đi đến để thấy, để biết, để đạt đến chỗ tận cùng của thế giới”. Nhưng này hiền giả, trong cái thân dài độ mấy tấc này, với những tưởng, những tư duy của nó, ta tuyên bố về thế giới, về thế giới tập khởi, về thế giới đoạn diệt, về con đường đưa đến thế giới đoạn diệt.
Dạng Phật giáo Phát triển xuất hiện với hệ tư tưởng Bát nhã đã xây dựng thành công một nếp nhìn mới cho rằng Đức Phật là vị giác ngộ được tính không của tất cả các pháp đồng thời xác quyết rằng tính không chính là thực tướng tối hậu (tathata). Có thể ghi nhận rằng thực tướng tối hậu này đang càng lúc càng hiện rõ theo đà phát triển của khoa học hiện đại, cụ thể là ngành vật lý học lượng tử. Đến thời Phật giáo trung kỳ, có một số tông phái, đặc biệt là Du Già tông lại nêu lên một nếp nhìn có tính sáng tạo hơn, cho rằng thành Phật chính là nhận ra được Tâm. Tâm ở đây chỉ cho cái chơn tâm bản nguyên thanh tịnh không thể bị uế nhiễm của chính mình. Giai đoạn hậu kỳ của hệ tư tưởng Phật giáo được đánh dấu rực rỡ bằng triết học Hoa Nghiêm với tư tưởng chủ đạo khai phá triệt để tính chất Tương tức tương nhập của tất cả các pháp. Hoa Nghiêm tông còn nêu lên hình tượng Đức Phật vũ trụ với tính biến mãn cùng khắp vô biên giới. Trong nền tư tưởng đó, Phật quả được xem là nguyên lý của thực tướng vũ trụ.
Từ những bản liệt kê những phẩm tính và thần lực thù thắng của một vị Phật đã được đề cập ở trên, bằng cách nhìn quán xuyến, chúng ta sẽ làm lộ ra một điều thú vị: Một vị Phật không phải chỉ được quan sát khi đã là Phật ngang qua hai phương diện thù thắng là Trí tuệ và Từ bi hành hóa mà còn được quan sát khi còn là chúng sinh ngang qua hai phương diện khi còn đang phiền não, đang tu hành là Nhơn tu và Quả chứng, tức là những hành vi mà vị ấy làm khi chưa phải là Phật. Bốn phương diện Nhơn tu, Quả chứng, Trí tuệ và Hành hóa đều được nền văn học Phật giáo nói chung chuyển tải vô cùng phong phú. Thời kỳ đầu, những vị kỳ lão Thượng tọa bộ chủ trương rằng những công hạnh hay công phu tu tập (có định hướng) chính là phương tiện, nhờ đó mà hành giả đạt được quả vị Phật. Ngược lại, những vị Đại thừa và Kim cang thừa theo khuynh hướng mới nhấn mạnh rằng Phật quả là cái nội tại sẵn có, ‘được thiết kế’ sẵn trong dạng Phật tánh hay hạt giống Phật. Nói cách khác, dạng Phật quả ‘đã được lập trình’ trong mỗi chúng sinh, là cái bản nhiên bất nhiễm và chính là tiền đề không thể thiếu để hành giả hạ thủ công phu, thực hành những công hạnh như bố thí, trì giới... Như vậy, theo Thượng tọa bộ thì giữa một bên là trí và thần lực mà một vị Bồ-tát hành giả đạt được trong giờ phút thành Phật và một bên là những hành hoạt từ bi tế độ cứu giúp hữu tình mà vị Phật ấy thực hiện sau đó là có mức độ tách biệt với nhau. Trong khi những vị thuộc Đại thừa và Kim cang thừa xây dựng một nếp nhìn nhấn mạnh rằng trí tuệ và từ bi là bất khả phân ly.
Thật ra, tất cả khuynh hướng, tất cả dị biệt là thứ yếu. Phật là Phật, thế thôi. Ý tứ này đã từng được Đức Phật xác định qua câu chuyện Bà-la-môn Dona[m1] . Khi thấy dấu chân Đức Phật, vị Bà-la-môn này kinh ngạc thốt lên: “Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay! Những dấu chân này không phải là của loài Người!”. Vị Bà-la-môn nêu lên một loạt câu hỏi mang tính phán đoán về Đức Phật: Phải chăng Ngài là một vị Thiên thần? Thần âm nhạc? Địa tiên? Người? Sau khi phủ nhận tất cả những phán đoán trên, đức Phật xác lập: “Này Bà-la-môn, đối với những người chưa đoạn tận các lậu hoặc, Ta có thể là chư Thiên, với các lậu hoặc đã đoạn tận, được chặt đứt từ gốc rễ... Ta có thể là Càn-thát-bà, Ta có thể là Dạ-xoa, Ta có thể là Người, với các lậu hoặc đã đoạn tận, được chặt đứt từ gốc rễ... Ví như này Bà-la-môn, bông sen xanh, hay bông sen hồng, hay bông sen trắng, sanh ra trong nước, lớn lên trong nước, vươn lên khỏi nước, và đứng thẳng không bị nước thấm ướt. Cũng vậy, này Bà-la-môn, sanh ra trong đời, lớn lên trong đời, Ta sống chinh phục đời, không bị đời thấm ướt. Này Bà-la-môn, Ta là Phật, hãy như vậy thọ trì.
Đến đây chúng ta hãy xác tín một lần nữa rằng Phật là Phật, thế thôi. Đức Phật sở dĩ có sai khác chỉ là để đối với những tâm thức có sai khác, những phiền não có sai khác. Đối với những hành giả đã đoạn tận các lậu hoặc thì Đức Phật là Đức Phật. Nói rõ hơn, do những khuynh hướng vô minh, khuynh hướng phiền não của chúng sinh, do duyên những cặp kính đã bị nhuộm những màu sắc khác nhau mà Đức Phật hiện ra có sai khác. Đã khuynh hướng thì không còn trung thực, đã nhuộm màu thì không còn trong sáng dù đó là màu gì đi nữa.
Nhân mùa Phật đản, chúng ta hãy chiêm ngưỡng Đức Phật trong cách nhìn trung thực và trong sáng nhất mà những đôi mắt phàm phu của chúng ta có thể có được. Trong quá trình phát triển, tùy theo thời đại và quốc độ mà xuất hiện những chủ trương và quan điểm, những tông phái và triết thuyết nhưng tất cả đều là lịch sử, là dạng ‘tài liệu bậc hai’. Phật là Phật, thế thôi. Điều trọng yếu là mỗi hành giả có một Đức Phật cho chính mình, phù hợp với mình, để có thể ‘cứu độ’ được mình. Đức Phật đó có thể là một Đức Phật mang chiều kích của vũ trụ, của nguyên lý tối hậu vĩnh hằng biến mãn hay là một Đức Phật bình dị, gần gũi với đôi chân trần còn lấm tấm những hạt bụi đường khi Ngài trì bình khất thực. Đức Phật đó cũng có thể là một dạng kết hợp phong phú đa sắc thái miễn là tạo nên sức phấn chấn và là nguồn cảm hứng bất tuyệt cho mỗi một hành giả trên con đường tìm về bến giác. Cuối cùng, khi vị hành giả thật sự đạt được giải thoát giác ngộ thì chắc chắn Phật là Phật, thế thôi.
Thích Minh Thành Phú |