Chiều nay đón nhóc em mình thấy nó tươi vui rạng rỡ vì được cô giáo tặng cho cái lồng đèn. Nhóc anh hết “tuổi mầm” tất nhiên cái mặt xuội lơ. Nó nói con... cao vậy chứ vẫn còn nhi đồng chứ bộ! Ý nói mẹ phải mua lồng đèn cho con chơi ấy mà. Ừ thì mua nhưng mẹ… ghét đèn lồng TQ! Vậy mà đến cửa hàng bán lồng đèn, tất cả mẫu mả của VN nó đều lắc đầu. Lý do lồng đèn VN không chớp nháy, không có nhạc ò í e. Đành chiều theo con dù không thích “made in China”…
Nhà ở phố thị, không có đường rộng rãi để đi bộ tung tăng, đành chở con loanh quanh phố. Ngồi trên xe máy mà xách lồng đèn, thấy chẳng thơ mộng gì!
Nhìn con chợt nhớ những tết Trung thu của mẹ…
Tết trung tuổi thơ hồi đó quá đẹp với bóng trăng ngà chiếu qua hai hàng tre, của mấy trái bưởi rám nắng thu ba mình nhất quyết không cho hái ăn, để dành phá cỗ đúng vào đêm rằm.
Những ngày cuối tháng 7 âm lịch, ba và các anh mình đã vót những chiếc nan tre, dán giấy cũ để làm lồng đèn. Sau một hồi cột, dán, sơn, vẽ, anh em mình đã có những chiếc lồng đèn tự chế. Đó là những chiếc đèn ông sao, cá chép, quả thị... Mình là “Út cưng” nên khi nào mấy cái lồng đèn làm xong, được chọn cái đẹp nhất! Bạn bè thường xuýt xoa khen lồng đèn mình đẹp. Mạ đi chợ mua cho vài cây đèn cầy tí hon. Thế là có một mùa trung thu lung linh cả tuổi thơ.
Khoảng từ ngày 10 tháng 8, khi hoàng hôn vừa buông, thôn xóm đã tưng bừng tiếng trống múa lân. Đó là đoàn lân của lò võ thầy Nhân. Các võ sinh lớn nhỏ làm thành một đoàn nhảy múa với đủ ông lân, ông địa. Phần thưởng cho đoàn lân chỉ vài đồng ( hồi đó còn xài tiền 5 hào, một đồng) hay trái quýt, trái bưởi, gói kẹo cau (cái thứ kẹo cứng ngắt, ngon hơn đường một chút!)…
Đoàn lân thường múa cho đến qua rằm nên trẻ con hồi đó có cả một mùa trung thu, một mùa trăng. Đến những năm học lớp 8 lớp 9, mình vẫn có cái thú đi coi múa lân. Lạ, mình thích múa lân nhưng lại sợ ông địa! Rất sợ khi ông đến gần. Có một năm, ông địa cứ… xán đến gần lấy quạt mo cau quạt quạt cho mấy cái. Cuối buổi múa, ông địa cố chen lấn đám đông tìm mình dúi cho nắm kẹo. Mình ngạc nhiên lắm nhưng chẳng biết ông địa là ai, cứ cầm về nhà chia cho mấy anh. Anh em mình thường xách lồng đèn đi theo đoàn lân hết nhà này đến nhà khác. Đến khi thấy đã quá xa nhà mới cắm đầu cắm cổ chạy về vì… sợ ma!
Đúng đêm rằm anh em mình phá cỗ. Cỗ trung thu là mấy trái bưởi ba hái sau vườn. Nhà mình có cây bưởi trái rất to, múi đỏ và ngọt lừ. Hình như Ba xin giống ở Hương Bằng thì phải. Cỗ còn có rổ khoai lang Mạ nấu từ hồi chiều. Thêm ca nước chanh là cả nhà quây quần. Mấy anh lớn chơi đàn ghi ta và hát hò, chuyện trò rôm rả. Tới “tiết mục” ba kể chuyện ma là bốn anh ngồi bốn góc bảo vệ mình! he he. Hồi đó làng mình còn trồng nhiều tre. Trăng vàng lên, tròn vành vạnh, bóng tre la đà in xuống mặt sân tạo nên một khung cảnh nên thơ, yên bình không gì bằng.
Lớn lên xa quê. Bạn bè giờ đã xấp xỉ “tứ thập”. Có lần về tết, anh bạn nhắc chuyện cũ. “Hồi đó tui trong đoàn lân. Tui là người cho bà kẹo đó nha!”. Ừ, vui thật là cái thời con nít!...
Bây giờ, chưa tới trung thu, trong nhà mình đã có nhiều hộp bánh kiểu “tặng qua tặng lại”. Bây giờ người ta “biến” Tết trung thu của trẻ em thành một dịp biếu quà của người lớn. Nhưng hai nhóc ít ngó ngàng tới vì: “Mẹ ơi bánh quá ngọt!”. Mình thường đem bánh cho trẻ con hàng xóm, kêu con rủ bạn bè tới nhà phá cỗ. Nhưng, nhìn bọn trẻ với mâm cỗ ê hề những loại bánh trái, nước ngọt và xách những chiếc lồng đèn nhựa chớp đỏ, nhạc ò í e của TQ thấy nhớ quá những mùa trung thu cũ. Nhớ quá những chiếc lồng đèn giấy hình ông sao, cá chép, quả thị và nhớ cả cái rộn ràng của đoàn lân quê mình… Một vài năm, mình đi dự “tiệc trung thu” cùng các em mồ côi tại chùa Bồ Đề, tại Trung tâm Nhân đạo Quê Hương. Nhiều chùa khác cũng tổ chức rước đèn, vui trung thu cho các em nhỏ. Thấy vui làm sao khi các em được nhiều người quan tâm, thay ba mẹ lo cho chiếc bánh, cái lồng đèn.
Nên để Tết trung thu đúng nghĩa cho tuổi thơ, là kỷ niệm của tuổi thơ!
Hương Cần |