KHOÁ AN CƯ KIẾT HẠ ĐẦU TIÊN 1991

Xuất phát về hoạt động tổ chức an cư kiết hạ cấm túc của Phật giáo Sông Bé – Bình Dương được khởi động trong trong nhiệm kỳ II (1987 – 1991). Trong nhiệm kỳ này, từ năm 1983 đến năm 1990 Tăng Ni Sông Bé chỉ kiết giới An cư tại chỗ ở tự viện, mỗi tháng hai ngày về trụ sở Tỉnh hội (chùa Hội Khánh) để Bố-tát và nghe giảng. Với trách nhiệm của một vị Tăng trẻ tâm huyết lúc bấy giờ, Đại đức Thích Huệ Thông luôn luôn canh cánh trong lòng về sự phát triển của Phật giáo Tỉnh nhà, dù trong hoàn cảnh lúc bấy giờ rất khó khăn về mọi mặt, nhưng Đại đức Thích Huệ Thông vẫn cố gắng làm nhiều công tác Phật sự, góp phần tạo tiền đề cho sự phát triển Phật giáo tỉnh Sông Bé – Bình Dương. Do đó, trước khi vào mùa an cư kiết hạ năm 1991, Đại đức Thích Huệ Thông đã tác bạch đề xuất với Hòa thượng Thích Trí Tấn, Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé nên mở khóa an cư cấm túc trong mùa an cư kiết hạ năm này, do xét thấy hoàn cảnh kinh tế xã hội và đời sống Phật tử còn rất nhiều khó khăn, nên Hòa thượng đã do dự, ngài cho rằng: “Mở trường hạ cấm túc trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn như vậy sẽ không thể thực hiện được, Tăng sĩ quy tập về thì lấy gạo đâu mà nấu, lấy thực phẩm ở đâu mà duy trì trường hạ, chẳng lẽ nhập hạ nửa chừng rồi giải tán sao?”.

 Lúc bấy giờ Đại đức Thích Huệ Thông rất quyết tâm với chủ trương này nên đã phát biểu với Hòa thượng Trưởng Ban rằng: “Con chỉ sợ chư Tăng không lo tu tập chứ không sợ thiếu gạo nấu, nếu chư Tăng giữ gìn giới luật, chấp hành thanh quy trường hạ, tinh tấn tu hành trong ba tháng an cư, con nghĩ Hộ pháp long thần phù trợ thì sẽ không thiếu gạo ăn”. Thấy Đại đức Thích Huệ Thông tâm huyết như vậy, nên Hòa thượng Trưởng ban đã đồng ý cho mở trường hạ an cư cấm túc. Với sự nỗ lực của Tỉnh hội và sự chỉ đạo của Hòa thượng Thích Trí Tấn, nên Ban Thường trực Tỉnh hội đã mở được khóa an cư cấm túc tại Tổ đình Hội Khánh, trong mùa an cư này đã có 18 vị Tăng tham gia nhập hạ cấm túc tại Tổ đình Hội Khánh, và chư Ni có 20 vị an cư cấm túc tại chùa Giác Nguyên. Điều rất đáng phấn khởi, đúng như Đại đức Thích Huệ Thông tiên liệu trước đó là sau mùa an cư cấm túc năm 1991, thì chùa Hội Khánh (bên Tăng) và chùa Giác Nguyên (bên Ni) đều dư thừa gạo và thực phẩm, điều này một lần nữa cho thấy tầm nhìn xa và niềm tin chánh kiến của Đại đức Thích Huệ Thông vào chánh pháp là hoàn toàn có cơ sở.

 

Kể từ ngày thành lập Giáo hội, thì đây là mùa kiết hạ cấm túc đầu tiên của Phật giáo Sông Bé (Bình Dương); nếu xét từ mùa an cư cấm túc lần đầu tiên vào năm 1991, số lượng chư Tăng nhập hạ chỉ có 18 vị Tăng, thì đến nay đã lên đến trên 350 vị. Mặt khác tính từ mùa an cư cấm túc năm 1991 đến mùa an cư cấm túc năm 2022, Phật giáo Bình Dương đã trải qua 31 mùa kiết hạ đúng với truyền thống an cư của Phật giáo Bắc Tông và trở thành truyền thống sinh hoạt tu hành hằng năm của chư Tăng Ni Phật giáo Sông Bé. Như vậy lịch sử hình thành truyền thống cấm túc an cư của Phật giáo Sông Bé là xuất phát từ ý tưởng tâm huyết của Đại đức Huệ Thông, bên cạnh đó là sự đồng thuận của Thường trực Ban và sự chỉ đạo sâu sát của Hòa thượng Trưởng ban Thích Trí Tấn. 

Văn phòng Ban Trị sự PG Bình Dương