“Hòa thượng Thích Quảng Đức qua tinh thần Bi – Trí – Dũng”

TT PG Bình Dương- Sáng nay, 11/6/2023, tại đại giảng đường Minh Châu – cơ sở II Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM (xã Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh), hội thảo khoa học với chủ đề “Phong trào Phật giáo năm 1963 và 60 năm Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân” đã chính thức khai mạc,

Quang lâm chứng minh: có Đức Trưởng lão Hòa thượng ThíchTrí Quảng- Pháp chủ GHPGVN;

Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Nghiệp- Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Chủ tịch Ban Giám luật Hội đồng Chứng minh GHPGVN;

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn- Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN; cùng chư vị Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự:

Thượng tọa Thích Đức Thiện- Phó Chủ tịch HĐTS kiêm Tổng Thư ký; Hòa thượng Thích Huệ Thông- Phó Chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban Pháp chế T.Ư.

Trưởng ban Tổ chức: Hòa thượng Thích Tâm Đức- Phó Viện trưởng Thường trực Viện Nghiên cứu Phật học VN; Thượng tọa Thích Nhật Từ- Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, PGS.TS.Đỗ Lan Hiền- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo và Tín ngưỡng thuộc Học viện Chính trị Quốc gia tại TP.HCM; chư tôn đức Lãnh đạo Học viện, Viện Nghiên cứu Phật học VN; chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo các tỉnh thành và hơn 1.000 Tăng, Ni sinh Học viện Phật giáo VN đồng tham dự.

Về phía lãnh đạo chính quyền và quan khách có ông Vũ Hoài Bắc- Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ; bà Trần Kim Yến- Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM; ông Nguyễn Văn Lượng- Phó Trưởng ban Tôn giáo TP; ông Phạm Văn Lũy- Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND H.Bình Chánh; đại diện lãnh đạo các cơ quan; các học giả, nhà nghiên cứu; cùng các Phật tử tham dự.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Hòa thượng Thích Tâm Đức khái quát lại các dấu mốc lịch sử của phong trào Phật giáo tại miền Nam Việt Nam vào năm 1963 và sự kiện Bồ-tát Thích Quảng Đức vị Pháp thiêu thân. Trong hội thảo lần này, các bài tham luận đến từ các học giả, nhà nghiên cứu, giới chuyên môn sẽ góp phần cung cấp nhiều thông tin mới về bối cảnh pháp nạn, diễn tiến, sự kết thúc và ý nghĩa của phong trào bất bạo động Phật giáo năm 1963.

Tại hội thảo, Ban tổ chức đã chọn ra 64 trên 178 bài tham luận được chọn lọc, thuyết trình trong 4 nhóm chủ đề, 12 phiên trình bày và thảo luận. Đoàn Bình Dương tham dự với tham luận: “Hòa thượng Thích Quảng Đức qua tinh thần Bi – Trí – Dũng” do Hòa thượng Tiến sĩ Thích Huệ Thông trình bày và “Nguyên nhân Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu trong phong trào Phật giáo miền nam 1963” do Đại đức Thích Tâm Thông- Phó Ban HDPT kiêm Trưởng Phân Ban thanh thiếu nhi Phật tử tỉnh Bình Dương trình bày tham luận.

Phát biểu đề dẫn, Thượng tọa Thích Nhật Từ cho biết trong nội dung làm việc của các diễn đàn trong hội thảo được chia làm 4 nhóm chủ đề là: Bối cảnh, tiến trình và tác động của phong trào đấu tranh bất bạo động của Phật giáo miền Nam; Những đóng góp của phong trào Phật giáo ở miền Nam năm 1963; Vai trò và đóng góp của Bồ-tát Thích Quảng Đức đối với Phật giáo miền Nam nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung; Những bài học lịch sử nhằm góp phần cho sự nghiệp nhập thế, phụng sự nhân sinh của GHPGVN ở hiện tại và tương lai.

Đạo từ tại phiên khai mạc, Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng- Pháp chủ GHPGVN tán dương chư tôn đức và các nhà học giả đã dành nhiều tâm huyết cho hội thảo lần này, tin tưởng những nghiên cứu sẽ đưa đến những phát hiện mới để giúp cho việc nhận thức về giai đoạn đấu tranh Phật giáo năm 1963 được rõ ràng hơn.

 Sự kiện Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân, Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng (nhân chứng sống duy nhất còn lại) đã nhắc về nhân duyên tương kiến, cũng như thấu tỏ về pháp hạnh tu tập của một hành giả Pháp Hoa từ Bồ-tát Quảng Đức. Trên tinh thần Đại hùng lực của Bồ-tát Dược Vương thiêu thân để cúng dường chư Phật, thì sự kiện Bồ-tát Quảng Đức thiêu thân để bảo tồn Chánh pháp trường tồn là gương hạnh sáng về công năng thành tựu thánh hạnh của một hành giả tu tập

“Từ hạnh sáng của tiền nhân, Tăng Ni cần phải học, áp dụng tu theo Bồ-tát Quảng Đức góp phần phát triển Phật giáo trường tồn. Đó là thông điệp Bồ-tát Quảng Đức gửi gắm cho chúng ta. Tôi mong Tăng Ni trẻ hôm nay tiếp bước theo con đường của Bồ-tát Quảng Đức, làm gương sáng cho cuộc đời, mang lại an vui, hạnh phúc cho chư Thiên và loài người”

Phát biểu tại hội thảo, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn- Chủ tịch Hội đồng Trị sự nhấn mạnh, sau khi độc lập thống nhất đất nước, GHPGVN được thành lập năm 1981, kế thừa những thành quả và bài học lịch sử bi hùng của dân tộc và Phật giáo Việt Nam, Giáo hội được ổn định và không ngừng phát triển trên mọi lĩnh vực, thực hiện hữu hiệu phương châm hoạt động: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” hơn 40 năm qua.

“Để tưởng nhớ công đức và sự hy sinh cao cả, để bảo tồn đạo pháp cùng đấu tranh giải phong dân tộc thống nhất Tổ quốc của Bồ-tát Thích Quảng Đức và chư Thánh tử vì đạo, đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm có một không hai trong lịch sử Phật giáo Việt Nam”

Tại phiên khai mạc, cử tọa cũng đã lắng nghe phát biểu của ông Vũ Hoài Bắc, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ. Theo ông, phong trào Phật giáo năm 1963 và 60 năm Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân, là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm nhìn nhận, đánh giá những đóng góp lớn lao, những ý nghĩa sâu sắc từ hành động vì đạo pháp, vì dân tộc.

“Tinh thần yêu nước, yêu tự do, yêu hòa bình, vì dân sự, vì đạo pháp, vì lý tưởng cao cả của Bồ-tát Thích Quảng Đức sẽ tiếp tục được lan tỏa đến tất cả mọi người, trong đó có các chức sắc, Tăng, Ni, Phật tử GHPGVN”

Thượng tọa Thích Đức Thiện trong phát biểu đánh giá về bản chất của phong trào Phật giáo năm 1963 và ý nghĩa tự thiêu của Bồ-tát Thích Quảng Đức cho biết, những cách tiếp cận, lý giải, đánh giá khác nhau về phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam và cuộc tự thiêu của Bồ-tát Thích Quảng Đức năm 1963, nhưng nhìn chung, đều thể hiện sự cảm thông với việc Phật giáo là nạn nhân của chính sách bất công, bất bình đẳng tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm nên phải tự vệ bằng đấu tranh bất bạo động.

PGS.TS Đỗ Lan Hiền trình bày về mối quan hệ giữa Phật giáo và chính trị, thông qua sự kiện Bồ-tát Thích Quảng Đức.

“Tựu chung, Tăng đoàn Phật giáo là một tổ chức dân chủ, nền dân chủ đó tạo điều kiện cho sự tìm kiếm công khai về chân lý và sự thật mà Đức Phật đã khuyến khích. Mấu chốt cuối cùng, Phật giáo về cơ bản là một tôn giáo thực tiễn, tư tưởng chính trị của Phật giáo, khi giải quyết các vấn đề cụ thể, không nhấn mạnh vào một giải pháp nào, mà yêu cầu cần phải uyển chuyển, linh hoạt, tùy thời. Một chính phủ, nhà nước tối ưu là một chính phủ phúc lợi, đề cao nhân phẩm và tôn trọng quyền con người. Tư tưởng chính trị đó của Phật giáo không hề lỗi thời”

Sau phiên khai mạc trọng thể, các đại biểu tham dự đã được lắng nghe các bài thuyết trình về bốn nhóm chủ đề do chư tôn đức Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN và Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM cùng chư vị học giả chủ tọa, tại các phòng hội thảo nhóm ở tòa học đường.

Chiều nay, các phiên hội thảo nhóm sẽ được tiếp tục trước khi phiên bế mạc được diễn ra tại đại giảng đường Minh Châu.

Quí Nguyễn

Thường trực Ban biên tập

Ngày đăng: 11 Tháng Sáu, 2023 người đăng Quí Nguyễn