Kế thừa và phát huy nghi lễ truyền thống để phù hợp với niềm tin, nhận thức của tín đồ Phật tử trong thời đại ngày nay
PGBD – Theo tinh thần của Phật giáo, lễ Tự tứ hay thỉnh cầu vị khác chỉ lỗi của mình là một cách kiểm điểm lại bản thân, từ những hành động do thân, đến những lời nói phát ra từ khẩu, thậm chí là những suy nghĩ từ ý, nếu thấy những lời chỉ dạy đó là đúng sự thật sẽ thành tâm sám hối để được thanh tịnh; nhờ vậy, mọi thành viên trong Tăng đoàn đều trở nên hoàn thiện, xứng đáng là bậc phước điền của Nhơn thiên.
Lễ Tự tứ, là hình thức thú lỗi lẫn nhau, vì trong thời gian an cư chắc chắn ít nhiều có những lỗi lầm do thấy, do nghe, do nghi nên thú lỗi với chư Tăng trước khi từ giã lên đường hành đạo. Nghi thức này cũng đánh dấu một chặng đường tu học của hành giả an cư trong ba tháng miên mật hành trì Giới – Định – Tuệ để tấn tu đạo nghiệp. Sau lễ tự tứ mọi người đều tăng trưởng hạ lạp, tức thêm một tuổi đạo. Đây là niềm vui lớn nhất của người xuất gia học đạo. Thông qua mỗi mùa an cư, tự tứ mỗi hành giả tự thân cảm nhận được nhiều sự tiến bộ trong tâm thức, đó cũng có thể gọi là sự giác ngộ vậy.
Trong dịp này, vào ngày 27/8/2023 (nhằm ngày 12/7 năm Quý Mão), ngày truyền thống Tạ pháp – Tự tứ mãn hạ cũng là ngày Vu lan Báo hiếu cho toàn thể chư Tôn đức Tăng Ni trong toàn tỉnh, Hòa thượng Thích Huệ Thông – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Pháp chế Trung ương, Trưởng ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Bình Dương đã sách tấn đến chư hành giả dù kết thúc khóa an cư nhưng cũng cần nghiêm trì giới luật, nhớ lời dạy của chư Phật và chư Tổ, lấy mục đích phục vụ chúng sinh làm mục tiêu, dấn thân vào đời, để đem ánh sáng Phật pháp phổ cập dân gian, làm sống dậy tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam.
Qua đó, Hòa thượng cũng cho biết, chư Tăng Ni cấm túc an cư tại 04 hạ trường của Phật giáo tỉnh luôn đoàn kết, hòa hợp tương trợ nhau trong đời sống tu tập nên đã đem lại sự ổn định, cũng như sự phát tâm hỷ cúng của thiện nam tín nữ Phật tử, điều này giúp cho Phật giáo Bình Dương ngày càng ổn định, vững mạnh trong lòng đồng bào Phật tử.
Theo đó trong mùa Vu lan, các cơ sở tự viện trên địa bàn tỉnh Bình Dương cũng đã trang nghiêm tổ chức Đại lễ Vu lan Báo hiếu PL.2567 – DL.2023 theo truyền thống bao đời của Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo tỉnh Bình Dương nói riên. Bên cạnh đó, các tự viện cũng tổ chức trai đàn chẩn tế, đây là một nghi lễ truyền thống của Phật giáo Việt Nam. Nghi lễ này xuất phát từ thời Đức Phật khi về thăm quê hương, đã có chỉ dạy cho Tôn giả A nan tổ chức cúng lễ cầu siêu giải oan cho ngạ quỷ, cô hồn, các Bà la môn tiên.…Trong đạo Phật, lập đàn chẩn tế là một nghi thức cúng, để bố thí thức ăn cho cô hồn. Trai đàn chẩn tế còn là lễ hội “làm chay” bố thí cấp phát lương thực giúp cho người qua cơn bức ngặt đói khát, không còn thiếu thốn, ban phát thí thực cho cô hồn hưởng thọ, được no.
Nghi thức trai đàn nhằm cầu siêu cho người đã khuất được siêu thoát và qua đó cũng cầu an cho người sống được an lạc. Theo giáo lý nhà Phật, đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ, sự từ bi này không chỉ đối với người sống mà còn với người chết, không chỉ từ bi với con người mà còn từ bi với các loài chúng sinh. Chính vì lòng từ bi đó mà lập ra trai đàn để cầu siêu cho các vong hồn được siêu thoát, hoá giải mọi tai ương hận thù để cuộc sống được ấm no, yên ổn. Ngoài ra, trai đàn lễ chẩn tế còn giúp Phật tử có dịp làm việc bố thí, sanh khởi đạo đức, nuôi dưỡng cho tâm người con Phật ngày càng được rộng lòng từ, biết thương yêu muôn loài vạn vật. Từ đó, tập lần xả bỏ những vị kỷ, những ích kỷ cá nhân, những pháp bất thiện như ích kỷ, hung bạo, dữ dằn lần lượt sẽ không còn, mọi người thương yêu nhau tạo sự an lành luôn xuất hiện như trong thế gian.
Chính vì vậy, trong mùa tháng Bảy năm nay với sự chia sẻ và đề nghị của HT. Thích Huệ Thông về vấn đề nghi thức chẩn tế cô hồn vào tiết tháng Bảy Vu lan, đây là một nghi lễ truyền thống đã được chư vị Tổ sư để lại, do đó hàng hậu học chúng ta vẫn luôn duy trì, kế thừa. Tuy nhiên, để cho được phù hợp với niềm tin, nhận thức của tín đồ Phật tử trong thời đại ngày nay, Hòa thượng đề nghị chư Tôn đức trong Ban Nghi lễ GHPGVN tỉnh Bình Dương, chư vị trong Ban Kinh sư không nên quăng tiền sau khi đã được gia trì như vậy sẽ làm mất đi sự trang nghiêm của buổi lễ, làm cho mọi người chen lấn, xô đẩy, dẵm đạp lên nhau, khởi tâm tranh giành, gây xô xát ẩu đả thì vừa mất trật tự, tạo ra nhiều hậu quả không hay. Do vậy thay vào đó, chư Tôn đức phát tiền lộc đến từng Phật tử theo niềm tin của họ một cách trật tự, có như thế phước báu mới được trọn vẹn từ việc cúng thí thực cô hồn, và điều này đã được Ban Nghi lễ GHPGVN tỉnh Bình Dương thực hiện thật nghiêm túc và buổi lễ diễn ra vô cùng trang nghiêm, thành tựu viên mãn. Đồng thời, vấn đề này cũng được chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử tỉnh nhà đồng tình và thống nhất cao.