Ước nguyện đầu xuân
Ước nguyện đầu xuân
Mùng 8, đêm Sao Hội cầu an, có những ngọn đèn hẹn nhau mỗi năm chỉ một lần bừng sáng mang theo ước nguyện đầu xuân.
Những ngọn đèn được thắp lên cũng để báo hiệu khép lại những ngày đoàn viên sum họp, quầy quả lên đường tiếp tục chen mình trong dòng mưu sinh chật chội xứ người xa xôi.
Đi chùa đầu năm gửi ước nguyện lành
Biết bao cái tên được xướng lên trong đêm kỳ an khi mà chủ nhân của những cái tên đó vừa tan tầm sau ngày dài chấm công đang rũ rượi trở về những dãy nhà trọ ọp ẹp, hay đang tăng ca ở một nơi nào đó xa xôi… Mỗi năm một lần họ chỉ biết thắp sáng niềm tin trong mùa Xuân mới ở những đàn cầu an sao hội.
Dâng sao giải hạn hay Dược Sư Pháp Hội và sao cũng được, miễn là họ được gửi gắm chút kỳ vọng bình an phát đạt, cho ngày dài phía trước ít thôi giông bão. Khi nhủ lòng với sự chở che của Trời Phật Thánh Thần để người còn hy vọng cho đời đỡ mệt mỏi hơn, chắc sẽ tươi sáng hơn, có lẽ vậy.
Khi mà cái bụng chưa no, mái nhà còn rách, khi đời sống còn mang vác nhiều bộn bề lo toan người ta có còn thảnh thơi để mà phân biệt đâu là pháp của Phật, đâu là truyền thống dân gian… và vô tình thỉnh thoảng họ được người khác gọi là u mê lạc lối.
Thuở nhỏ tôi hay thắc mắc chùa quê thờ chi mà quá trời Phật (quét dọn lau chùi cũng đủ mệt). Giờ thì mới hiểu trong những ngày đầu Xuân, hay khi đến thắp ngọn đèn cầu an, họ sẽ đi lễ Phật quanh chùa, có lẽ trong trăm lễ quanh chùa cũng sẽ có một lạy nào đó đủ vắng lặng hoà với tâm thành, một lạy đó cũng đủ tưới tẩm cho duyên lành tăng trưởng. Một chút tư tài dâng lên cúng dường Tam Bảo cũng được cân nhắc đắn đo, một chút thôi nhưng nhưng cũng đủ để vun bồi thiện duyên tăng trưởng.
Thay đổi là tất yếu nhưng nếu chưa hiểu hết những gì người xưa gửi gắm hay vội vã quá không khéo ta lại đạp đổ những gì mà mình không có khả năng gầy dựng. Như mùa Xuân vậy, trước khi đậm đà rực rỡ, Xuân thường gửi ngọn gió bấc báo hiệu cho đất trời, cho cây cỏ, hoa lá bắt đầu thay áo. Xuân của đất trời còn thiện xảo đến đi sao ta có thể đổi thay một cách vội vã.
Những ngọn đèn xưa kia được xếp theo đồ hình tinh tú nay đã thay mình tỏa sáng dưới những đài sen soi rõ nụ cười đại bi của Phật. Những ngọn đèn cứ tiếp nối mà thắp sáng bằng tâm thành tha thiết dâng lên cúng dường trước Phật đó cũng là đã dần đổi thay. Nên xin người đừng vội, khởi tâm thương nhiều hơn với những dòng đời chưa có cơ hội tiếp cận những vùng trời Phật pháp và cơm áo gạo tiền réo gọi không thôi.
Một cụ già lưng còng, gói ghém cẩn thận trong 3 lớp giấy báo cũ là danh sách hơn chục người xin dâng lễ cầu an. Hỏi con cháu cụ đâu sao không ai làm gậy cho tuổi xế chiều. “Đi Bình Dương hết rồi!”. Và trong danh sách ấy không có tên cụ, cụ chỉ cần bình an cho con cháu đang mưu sinh chốn người, báo cho cụ một tin vui: “Năm nay không có tuổi nào xấu, mỗi khi nhớ và mong cho cháu con đang trôi ở trời xa an bình cụ hãy niệm Phật, cụ nhé!”.
Với những người còn nặng gánh đời, chảy trôi mải miết theo dòng mưu sinh vất vả, mỗi năm một lần cầu bình an cho ngày dài đằng đẳng phía trước mà ta bảo cầu xin có ích gì thì khác nào thổi tắt một ngọn đèn hy vọng – cũng là phá đi một nhịp cầu đến gần với Tam Bảo của những ngọn đèn chỉ dám le lói những ngày Xuân.
Bình an nhé những ngọn đèn nhỏ, có trôi về đâu nhớ mỗi năm một lần về lại chùa xưa thắp sáng niềm tin.
Ban TTTT Phật giáo tỉnh Bình Dương