Bình Dương: Lễ Húy kỵ lần thứ 72 Thiền sư Minh Tịnh – Vị Tổ khai sơn chùa Thiên Chơn
PGBD – Sáng ngày 04/7/2020 ( nhằm ngày 17/5 năm Quý Mão), toàn thể môn đồ pháp quyến chùa Thiên Chơn (đường Thủ Khoa Huân, phường An Thạnh, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương), đã trang nghiêm cử hành Lễ húy kỵ lần thứ 72 Thiền sư Minh Tịnh – vị Tổ khai sơn chùa Thiên Chơn, viên tịch 17/5/1951 (năm Tân Mão), trụ thế: 63 năm.
Quang lâm đến thắp hương tưởng niệm và chứng minh có: HT.Thích Thiện Xuân – Thành viên HĐCM, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN quận Tân Phú; TT. Thích Minh Lực – Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Phật giáo Quốc tế GHPGVN tỉnh Bình Dương; Ni sư Thích nữ Từ Thảo – Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Phân ban kiêm Trưởng ban Pháp chế Phân ban Ni giới TƯ, Phó BTS kiêm Trưởng ban Kinh tế Tài chánh GHPGVN tỉnh Bình Dương; Ni sư Thích nữ An Hương – Ủy viên BTS Phật giáo tỉnh, Chánh Thư ký Phân ban Ni giới GHPGVN tỉnh, Thư ký kiêm Phó Văn phòng Trường TCPH; cùng chư Tôn đức trong Ban Thừa kế Thiên Thai Thiền giáo tông, Tổ đình Thiên Thai (Bà rịa – Vũng Tàu), chư Tôn đức Tăng Ni trong và ngoài tỉnh Bình Dương; gần 100 Tăng Ni sinh khóa VI Trường TCPH tỉnh Bình Dương cũng như đông đảo quý thiện nam tín nữ Phật tử đồng tham dự lễ Húy kỵ.
Trước đó, chư Tôn đức đã quang lâm đại hùng bửu điện thực hiện khóa lễ khai kinh, bạch Phật, cúng ngọ. Sau đó trở về Tổ đường cung tiến Giác linh cố Thiền sư Thích Minh Tịnh theo nghi thức truyền thống của Phật giáo.
Tại buổi lễ, toàn thể môn đồ pháp quyến cung đối trước di ảnh của Thiền sư thượng Minh hạ Tịnh lắng lòng nghe TT. Thích Minh Lực cung tuyên tiểu sử của Thiền sư, ôn lại những công hạnh của bậc Thầy đã có công khai sơn chùa Thiên Chơn (TP. Thuận An), chùa Tây Tạng (TP.Thủ Dầu Một), Thiền sư là một bậc tiền bối có nhiều công đức đối với Đạo pháp và Dân tộc.
TIỂU SỬ THIỀN SƯ MINH TỊNH
Thiền sư Minh Tịnh tên thật là Nguyễn Tấn Tạo (Ông Mười Tạo) sinh năm Kỷ Sửu 1889, tại thôn An Thạnh, Thủ Dầu Một. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Lập, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Ri. Hòa thượng được sinh ra trong gia đình trung lưu, kính tin tam bảo và tinh thần yêu nước. Ngài là người trí thức, am hiểu Đông và Tây học, làm công chức ngành y tế thời Pháp. Ông nghiên cứu Phật học từ năm 16 tuổi, sau đó xuất gia với Hòa thượng Ấn Thành – Từ Thiện chùa Sắc Tứ Thiên Tôn với pháp danh: Chơn Phổ – Nhẫn Tế thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 40.
Năm 1926, Ngài đến chùa Long Hòa núi Thiên Thai (Bà Rịa) chu du học đạo mến mộ tài trí và tinh thần yêu nước của Tổ sư Huệ Đăng, Ngài xin thọ giáo cầu pháp và được tổ sư Huệ Đăng tông phái Thiên Thai Thiền Giáo Tông Liên Hữu Hội tiếp độ làm đệ tử và ban pháp danh Trừng Liến, pháp hiệu Minh Tịnh. Năm 1933, thầy Chơn Phổ thọ đại giới với Hòa thượng Ngộ Định – Từ Phong trong đại giới đàn vào tháng 8 năm Qúy Dậu (1933) được tổ chức tại chùa Sắc Tứ Thiên Tôn.
Đây là Đại Giới đàn có tính quy mô quy tựu nhiều giới tử khắp vùng Nam Bộ và giới đàn cung thỉnh nhiều vị cao Tăng đương thời làm giới sư truyền giới. Vào những thập niên đầu của thế kỷ XX trở về trước, việc xuất dương nói chung cũng như chiêm bái, nghiên cứu Phật học tại Thiên Trúc (Ấn Độ) của giới Phật giáo nói riêng rất khó khăn, nếu không có ý chí và lòng kiên nhẫn thì khó có thể thực hiện được. Mỗi quốc gia, mỗi địa phương qua từng giai đoạn lịch sử khác nhau đều có những nhân vật siêu phàm xuất hiện để thực hiện những hoài bão lớn lao mà thường khó có ai làm được.
Thiền sư Minh Tịnh ra đi để tìm hiểu, chiêm bái Phật tích bằng ý chí và lòng phát nguyện của mình trong bối cảnh lịch sử Phật giáo cả nước trong cao trào bừng dậy cuộc chấn hưng Phật giáo. Trong suy nghĩ của Thiền sư Minh Tịnh: Muốn chấn hưng Phật pháp phải biết cội nguồn của Phật pháp. Với ý chí đó, Ngài đã quyết tâm lên đường, đến bến Nhà Rồng để về xứ Phật vào lúc 17 giờ 00 ngày 17/04/1935.
Trong gần ba năm chiêm bái, nghiên cứu Phật học cũng như tìm hiểu kho tàng văn hóa của xứ sở đa thần giáo này, thầy Minh Tịnh đã ghi chép rất đầy đủ, khá chi tiết từng sự kiện trong nhật ký hơn 300 trang của mình. Đọc nhật ký ta thấy rõ ở con người bình dị, thanh thoát của Thiền sư Minh Tịnh, Ngài đã ghi rõ từng chi tiết ở các nơi của từng địa phương mà Ngài đã đi qua. Nhật ký được thể hiện bằng lời văn vừa tri thức vừa bình dị nhưng mang đậm màu sắc nhân văn và ta thấy rõ nơi đây chứa đựng cả một tâm huyết và ý chí mãnh liệt của bậc chân tu.
Suốt 15 ngày đêm, vào ngày 31/04/1935, thầy Minh Tịnh đã đến cảnh Tây Thiên vào thành Ba La Nại ở Lộc Giã Viên nơi Đức Phật tiếp độ năm anh em Kiều Trần Như và nơi đây cũng là nơi hình thành 3 ngôi Tam Bảo (Phật- Pháp- Tăng) đầu tiên của đạo Phật. Ở đây, Thiền sư Minh Tịnh phải sống ròng rã hai tuần lễ trong những ngôi chùa đạo Hindu. Ngài áp dụng phương pháp: “Nhập giang tùy khúc, đáo xứ tùy nhơn”.
Thầy phải sống và thực hành nghi thức tế lễ cúng thần linh, nghi tế lễ Bò (vị thần của đạo Hindu). Nếu không có lòng kiên nhẫn và sức chịu đựng thì khó có thể hòa nhập vào cuộc sống nơi đây, nhất là với những người không cùng mục đích và lý tưởng với mình. Có thể nói vào những thập niên 30 – 40 ở miền Nam Việt Nam đây là lần đầu tiên Xá lợi Phật được thỉnh từ Tây Thiên do Thiền sư Minh Tịnh mang về tôn trí tại Tổ đình Thiên Thai của Tổ sư Huệ Đăng.
Sau 12 ngày lưu trú tại xứ sở băng tuyết của Nepal, thầy trở về Bồ Đề Đạo Tràng và sau đó Ngài xin tổ chức hội để được đi sang Tây Tạng xứ sở của Phật giáo. Vào ngày 27/02/1936 (nhằm ngày 05/02 âm lịch), Ngài cùng các vị Lama khởi hành từ Bồ Đề Đạo Tràng đi Tây Tạng. Thầy Minh Tịnh kể về chuyến đi này đầy gian nan và cực khổ.
Mùa đông thì băng giá thấu xương. Mùa hạ thì khô da cháy thịt, trèo núi băng rừng… đi tới đâu tùy thuận vào đời sống của từng địa phương, vì dân mỗi vùng có phong tục khác nhau, đi tới đâu Ngài học cách sống và tìm hiểu phong tục nơi đó, khi rảnh Ngài học tiếng Tây Tạng. Chính ý chí mãnh liệt này của thầy đã làm cho quan thừa tướng Tây Tạng phải khâm phục khi mới gặp Ngài lần đầu lúc mới đến kinh đô Dhasa.
Ở Tây Tạng, Quốc vương cũng là Đại đức Lama. Thầy Minh Tịnh đến chiêm bái một ngôi chùa gọi là quốc tự của vương quốc, ngôi chùa rộng lớn làm toàn bằng vàng có hàng chục nóc nhà xem oai nghi tráng lệ. Ở Tây Tạng chùa rất đẹp, rất rộng, mỗi ngôi chùa có hàng trăm, hàng ngàn tăng sĩ ở tu tập. Thầy Minh Tịnh ở tại dinh Thừa tướng được 5 ngày, sau đó mới đi yết kiến quốc vương Tây Tạng. Sau 100 ngày ở Tây Tạng và ba lần dâng lễ Đại Đức Lama quốc vương, thầy Minh Tịnh mới được Quốc vương tâm ý khen ngợi là ngài có thiện tâm cầu đạo, đây là bậc chân tu ở xứ An Nam.
Vào ngày 04/10/1936 (nhằm ngày 19/8 âm lịch), HT. Thích Minh Tịnh xin được cầu pháp với Lama Quốc vương. Quốc vương chấp thuận và tâm ấn trao cho nhiếp chính vương Lama ngự bút ban đặt cho pháp danh: Thubien Osall Lama. Thubienlà kim cương bền vững. Còn Osall là ánh sáng mặt trời và cũng là tên của Quốc vương Lama đương kim. Ngài được ấn chứng sở đắc thiền tông tại triều đình nước Tây Tạng.
Với ý nghĩa pháp danh mà quốc vương ban cho, đây là niềm danh dự cao quý nhất đối với Thiền sư Minh Tịnh trong chuyến du hành chiêm bái xứ sở Phật giáo. Sau hơn 04 tháng nghiên cứu, tu tập, chiêm bái ở Tây Tạng thầy Minh Tịnh đã chứng được sở tu và hành trì về pháp môn thiền định từ các vị cao tăng Lama, trong đó có sự truyền thừa từ đại đức Lama quốc vương.
Sau khi đạt thành sở nguyện vào ngày 29/10/1936 thầy Bilkhu. Thubten – Osall trở về Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ) và tiếp tục tu tập, làm Phật sự, đi chiêm bái một số Phật tích ở khu vực cũng như các nước lân cận…. Đối với thiền sư Minh Tịnh được về xứ Phật đó là hạnh phúc lớn nhất trong đời tu hành của một vị xuất gia, nên Ngài luôn tinh tấn hành trì, tụng niệm, nghiên cứu và thực hành trong suốt thời gian ngài sống tại nơi đây.
Vào ngày 14/6/1937, thầy Minh Tịnh trở về Việt Nam và kết thúc cuộc hành trình Tây Thiên Trúc của mình. Ngài về tới Việt Nam lúc 7h00 sáng ngày 30/6/1937 (nhằm ngày 22/5 năm Đinh Sửu).
Hơn hai năm, 2 năm của ý chí và lòng kiên nhẫn của Thiền sư Minh Tịnh đã để lại trọn vẹn cuộc đời hành đạo của Ngài, đã để lại cho mai hậu tấm gương một con người dũng cảm đã chiến thắng mọi nghịch cảnh để đạt được tâm nguyện hướng về chân lý trong cuộc hành trình về xứ Phật của mình.
Sau chuyến vân du học đạo nơi xứ Phật, Ngài đã trở thành một vị cao tăng, từ đó trong giới xuất gia cũng như tại gia rất sùng kính Thiền sư Minh Tịnh. Với uy tín và đức hạnh của Ngài nên vào năm 1937, gia đình đại gia Trần Khánh Sanh phát tâm trùng tu lại am Thiên Chơn để cúng dường cho Hòa thượng hành đạo, năm 1938 Hòa thượng đứng ra xây dựng thành chùa Thiên Chơn.
Cũng trong năm này, ông Hương cả Trượng ở Phú Cường nghe danh Thiền sư Minh Tịnh ở xứ Phật về, nên ông thỉnh thiền sư về trụ trì chùa Bửu Hương tại làng Phú Cường. Ngôi chùa được xây dựng vào khoảng năm 1930 do Ngài Cao Minh và ông huyện Trương vận động bà con xây dựng. Thiền sư Minh Tịnh sau khi nhận trụ trì chùa Bửu Hương, Ngài đổi thành Tây Tạng tự để đánh dấu chuyến đi hành hương xứ Phật và Tây Tạng của mình. Để lưu lại ý nghĩa này, Hòa thượng đặc câu đối trước cổng chùa:
“ Tây quy độc diệu Thiên Chơn Bửu
Tạng xuất hàm linh địa tạp Hương”
Vào năm 1945, Hòa thượng Minh Tịnh được cử làm Chủ tịch Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Thủ Dầu Một. Vào tháng 6/1946, Ngài được cử vào thành viên mặt trận Việt Minh tỉnh Thủ Dầu Một tại khu Thuận An Hòa. Hòa thượng là người cha đỡ đầu của đồng chí Nguyễn Văn Thi liên trung đoàn trưởng, bản doanh đóng tại Bình Chuẩn – Lái Thiêu, Ngài còn đỡ đầu cho chi đội 1 và chi đội 10 sau này trở thành liên trung đoàn 301- 310.
Vào năm 1950, Hòa thượng làm cố vấn quân, dân, chính đảng tỉnh Thủ Dầu Một. Hòa thượng là người có công trong phong trào kháng chiến chống Pháp trong giới Phật giáo, Ngài động viên hàng Tăng sĩ cũng như Phật tử của chùa trực tiếp tham gia kháng chiến, sau này nhiều người đã trở thành đảng viên cộng sản. Thiền sư là bậc cao Tăng, thật học, Ngài để lại quyển nhật ký hành trình Tây Thiên Trúc và dịch bộ kinh Lăng Nghiêm Tông thông (do Thành hội Phật giáo TP.HCM xuất bản 1997).
Thiền sư viên tịch vào ngày 17/05/1951 (năm Tân Mão), thọ 63 tuổi, đồ chúng lập tháp thờ trong khuôn viên chùa Thiên Chơn. Tang lễ của Hòa thượng được các đồng chí lãnh đạo tỉnh ủy, UBHCKC, MTLV tỉnh Thủ Biên tổ chức tưởng niệm trọng thể trong khu giải phóng. Để tưởng niệm ân đức của Ngài, vào năm 1992, UBND tỉnh cho phép chùa trùng tu lại toàn bộ ngôi chùa Tây Tạng với lối kiến trúc, đường nét như chùa xứ Tây Tạng để ghi nhớ về cuộc hành hương về xứ Phật của con người phụng sự trọn cuộc đời cho đạo pháp và dân tộc.
Bày tỏ lòng tri ân công đức của Thiền sư Minh Tịnh suốt một đời cống hiến cho Đạo pháp – Dân tộc, chư Tôn đức Tăng Ni và Tăng Ni sinh Trường Trung cấp Phật học các khóa III, IV, V, VI thành kính dâng hương tưởng niệm Thiền sư thượng Minh hạ Tịnh trong khói hương trầm quyện tỏa.
Qua lời tác bạch chí thành chí kính của Phật tử Diệu Liên, đại diện hàng Phật tử tại chùa Thiên Chơn thể hiện lòng tri ân đối với Thiền sư Minh Tịnh, chư vị Tổ sư các đời trụ trì tại chùa Thiên Chơn cũng như TT. Thích Chơn Phát – Uỷ viên HĐTS, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Giáo dục Phật giáo tỉnh, Hiệu trưởng Trường TCPH tỉnh Bình Dương, Trụ trì chùa Thiên Chơn đã và đang hướng dẫn hàng cư sĩ Phật tử tiến tu tịnh nghiệp, vững bền trong giáo pháp và có được an vui trong giây phút hiện tại, buông xả những phiền não, vọng tưởng, trồng nhân Tịnh độ để được quả Tịnh độ.
Đạo từ tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thiện Xuân tán thán công đức hiếu tâm, hiếu hạnh của Môn đồ pháp quyến trong pháp sự ngày hôm nay, ngõ hầu lập thành công đức kính dâng lên Thiền sư Minh Tịnh. Hòa thượng mong muốn hàng Môn đồ tứ chúng cũng như toàn thể quý Phật tử nỗ lực tu học, vun bồi đạo hạnh, làm việc thiện để đền đáp ơn Thầy Tổ, và phát triển chốn Tổ ngày một hưng thịnh, uy nghiêm.
Lễ Húy kỵ khép lại với nghi thức trai đường trang nghiêm và thanh tịnh.
Những hình ảnh được ghi nhận tại lễ Húy kỵ:
Ban TT-TT PG tỉnh Bình Dương