Phật giáo sông Bé – Bình Dương 40 năm Một Chặng Đường.
TT PG Bình Dương- Sáng ngày 16/04/2023 tại Hội trường Trung tâm Văn hóa Tượng Phật Nhập Niết Bàn Chùa Hội Khánh đã diễn ra Lễ kỷ niệm 40 năm Phật giáo Sông Bé – Bình Dương.
Mở đầu buổi lễ, Hòa thượng Thích Huệ Thông – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương phát biểu khai mạc.
Tiếp đó, Thượng tọa Thích Huệ Tín – Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương Báo cáo tóm tắt thành tựu công tác Phật sự 40 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sông Bé – Bình Dương 1983 – 2023.
Sau khi đất nước hoà bình độc lập, các Tổ chức Phật giáo trên toàn quốc cùng ngồi lại với nhau để đi đến sự thống nhất 09 tổ chức Hệ phái Phật giáo trong cả nước, thống nhất thành một tổ chức Phật Giáo duy nhất đó là Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), hoạt động theo phương châm: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”. Sự ra đời của GHPGVN vào ngày 7-11-1981 tại Chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội đã thể biện rõ tâm huyết của chư Tôn đức, tăng ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam trong sự nghiệp thống nhất GHPGVN, đây là một tiền đề quan trọng, đưa đến sự thành lập Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố sau này.
Trước khi thành lập Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé – Bình Dương, một sự kiện đáng ghi nhận đó là vào ngày 02/02/1976, tại Tổ đình Chùa Hội Khánh, một Hội nghị được tổ chức để thành lập Ban Liên lạc Phật giáo tỉnh Bình Thủ dưới sự chứng minh chủ trì của Đại lão Hoà thượng Thích Minh Nguyệt, Chủ tịch Ủy Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM, Hội nghị đã công cử được một Ban Vận động gồm 15 thành viên do Hoà thượng Thích Tâm Đồng, chùa Thiên Bửu làm Trưởng Ban Vận động.
Đại hội Thành lập Phật giáo tỉnh lần thứ I, nhiệm kỳ 1983 – 1987: Đại hội Đại biểu Phật giáo Sông Bé – Bình Dương lần thứ nhất chính thức được tổ chức vào hai ngày 08 – 09/01/1983 tại Tổ đình chùa Hội Khánh, phường Phú Cường, Thị xã Thủ Dầu Một, là một sự kiện lịch sử trọng đại của Phật giáo tỉnh Sông Bé. Đại hội có 80 Đại biểu, quy tụ tất cả các tổ chức Hệ phái tăng ni và cư sĩ tiêu biểu trong toàn tỉnh. Đại hội Đại biểu lần thứ Nhất này đã đánh dấu sự thành công bước đầu của Phật Giáo tỉnh Sông Bé – Bình Dương, đó là sự thống nhất các tổ chức Hệ Phái Phật giáo trong tỉnh thành một Tổ chức Phật giáo duy nhất, Đại hội đã suy cử được một Ban Trị sự gồm 15 vị đại diện tiểu biểu cho các tổ chức Hệ phái Phật giáo tỉnh Sông Bé, do Đại lão HT. Thích Trí Tấn làm Trưởng ban kiêm Ủy viên Tăng sự;
Sau khi được thành lập, Ban Trị sự Tỉnh hội đã tiến hành hiệp thương và bổ nhiệm cho ra mắt bốn Ban Đại diện Phật giáo ở các huyện phía Nam, đó là Ban Đại diện Phật giáo Thị xã Thủ Dầu Một (28/8/1984), Ban Đại diện Phật giáo huyện Thuận An (31/11/1984), Ban Đại diện Phật giáo huyện Tân Uyên (03/04/1985 âl), Ban Đại diện Phật giáo huyện Bến cát (24/04/1986). Ngoài ra, BTS đã tiến hành thống kê sơ bộ số lượng các cơ sở, tăng ni gồm: 132 cơ sở tự viện và 183 tăng ni, chủ yếu thuộc 4 huyện phía Nam. Hệ phái Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng 80%, Hệ phái Phật giáo Thống Nhất 10%, Hệ phái Khất sĩ 5% và các hệ phái khác 5%. Có thể nói rằng hoạt động Phật sự của Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sông Bé nhiệm kỳ I (1983 – 1987) đã tạo nền tảng ổn định cho Phật giáo tỉnh nhà giai đoạn đầu và làm tiền đề cho sự phát triển của Giáo hội tỉnh Sông Bé – Bình Dương ở các nhiệm kỳ sau.
Kế thừa những thành tựu Phật sự của nhiệm kỳ I, trong Nhiệm kỳ II, Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé đã từng bước tạo được uy tín đối với Tăng Ni Phật tử cũng như lãnh đạo chính quyền và mặt trận trong việc đối nội cũng như đối ngoại. Tiếp nối những thành tựu đã đạt được trong 2 nhiệm kỳ qua, tại nhiệm kỳ III (1991 – 1994) Ban Thường trực, Ban Thư ký Tỉnh hội tiến hành hiệp thương nhân sự và Bổ nhiệm ra mắt các BĐDPG các huyện phía Bắc: huyện Bình Long, huyện Lộc Ninh, huyện Phước Long, huyện Đồng Phú, huyện Bù Đăng và đẩy mạnh sự điều phối trong tỉnh một cách nhịp nhàng giữa BTS Tỉnh hội và các BĐD huyện thị trong tỉnh. Sau nỗ lực hoàn thành việc thành lập Ban Đại diện trên địa bàn tỉnh, Văn phòng Tỉnh hội phối hợp với các Ban đại diện tiến hành lập thủ tục thống kê lại toàn bộ cơ sở tự viện Tăng Ni của tỉnh. Đợt thống kê này có 194 cơ sở Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường và 330 Tăng Ni. Thị xã Thủ Dầu Một có 36 Tự viện, Thuận An 65 Tự viện, Bến Cát có 21, Tân Uyên 29, Bình Long 8, Phước Long 19, Lộc Ninh 11, Đồng Phú 4… có thể nói rằng, đây là nhiệm kỳ mà Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé thành công mỹ mãn trong việc thành lập các Ban
Đại diện cấp huyện thị trên địa bàn tỉnh.
Nhiệm kỳ III của Ban Trị sự Tỉnh hội làm được khá nhiều việc, ngoài sự nỗ lực của lãnh đạo Giáo hội còn có sự tác động của điều kiện khách quan trong bối cảnh đổi mới của đất nước. Đặc biệt là sự thành lập Ban Tôn giáo Chánh quyền tỉnh Sông Bé vào tháng 12 năm 1992 đã tạo xu thế mới cho hoạt động tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng có một cơ chế mới cho hoạt động tôn giáo mang tính pháp chế hơn. Trước khi Ban Tôn giáo tỉnh ra đời, thì có thể nói vai trò của Mặt trận Tổ quốc, ngoài là tổ chức tập hợp các đoàn thể trong Khối Đại đoàn kết toàn dân thì Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò quan trọng trong việc gắn kết chặt chẽ với ban Trị sự trong các lĩnh vực, góp phần quan trọng trong hoạt động của Phật giáo tỉnh nhà.
Sau ngày Hòa thượng Thích Trí Tấn viên tịch, vào ngày 27 tháng 11 năm 1995, Ban Trị sự Tỉnh hội tổ chức phiên họp đề cử Thượng tọa Thích Minh Thiện, Quyền Trưởng ban làm Trưởng Ban Trị sự và Thượng tọa Huệ Thông, Phó Ban kiêm Chánh Thư ký làm Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự.
Vào ngày 06/11/1996, kỳ họp thứ 10 Quốc hội (khóa IX) quyết định điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh. Trong đó, tỉnh Sông Bé được tách thành hai tỉnh là Bình Phước và Bình Dương. Tỉnh Bình Phước được tái lập bao gồm 5 huyện phía bắc thuộc tỉnh Sông Bé cũ: Đồng Phú, Bình Long, Lộc Ninh, Bù Đăng và Phước Long, tỉnh lỵ đặt tại thị trấn Đồng Xoài. Sau đó Ban Thường trực Tỉnh hội đã tổ chức phiên họp vào ngày 26 tháng 12 năm 1996 để bàn kế hoạch chọn nhân sự nhằm tiến đến thành lập Ban Trị sự lâm thời cho hai tỉnh.
Về địa phận tỉnh Bình Phước, thành phần Ủy viên trong Ban Trị sự Sông Bé đương nhiệm chỉ có 5 vị: 1 Tăng, 3 Ni và 1 cư sĩ với tổng số 47 tự viện và 56 Tăng Ni (kể cả tạm trú dài hạn).
Về địa phận tỉnh Bình Dương, Ủy viên Ban Trị sự có 20 vị và toàn Ban Thường trực đều nằm ở Bình Dương với 160 Tự viện và 265 Tăng Ni, nên có thể nói là nguồn nhân sự Phật giáo tỉnh Bình Phước lúc bấy giờ gặp nhiều khó khăn so với tỉnh Bình Dương.
Ngày 15 tháng 01 năm 1997, Ban Trị sự Tỉnh hội lâm thời ở tỉnh Bình Dương được thành lập do Thượng toạ Thích Minh Thiện làm Trưởng ban, Thượng toạ Thích Huệ Thông làm Phó Trưởng ban Thường trực. Đến tháng 6 năm 1997, Ban Trị sự Tỉnh hội lâm thời ở Bình Phước được thành lập do Đại đức Thích Huệ Quang làm Trưởng ban; Sư cô Thích Nữ Cẩn Liên làm Phó Ban Thường trực, Đại đức Thiện Chơn làm Phó Ban, Đại đức Thích Tĩnh Cường làm Phó Thư ký…
Một Phật sự khá quan trọng nữa đối với Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Sông Bé lúc bấy giờ, nhiệm kỳ IV (1994 – 1997) ban Trị sự thành lập Trường Cơ bản Phật học tỉnh Sông Bé (sau này là Trường Trung cấp Phật học tỉnh Bình Dương) do Thượng tọa Thích Minh Thiện, Hiệu trưởng và Thượng tọa Huệ Thông, Phó Hiệu trưởng Học vụ. Đây được xem là những thành tựu lớn lao mà Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Sông Bé – Bình Dương đã đạt được trong nhiệm kỳ IV (1994 – 1997), điều này đã tạo một bước ngoặt phát triển mới trong các công tác Phật sự của Phật giáo tỉnh nhà và nhất là đã tạo được nhiều uy tín cũng như niềm tin đối với tăng ni Phật tử và lãnh đạo chính quyền các cấp tại địa phương thời bấy giờ.
Có thể nói, từ nhiệm kỳ đầu (1983 -1987) đến nhiệm kỳ IV (1994 – 1997) Phật giáo tỉnh Sông Bé đã hoàn thành vai trò lịch sử của mình, trong công cuộc hình thành, ổn định dưới sự lãnh đạo đầy trách nhiệm, uy tín của Đại lão HT. Thích Trí Tấn, đây là giai đoạn làm tiền đề cho sự phát triển của Phật giáo tỉnh Bình Dương sau này.
Từ nhiệm kỳ V (1997 – 2002) đến nhiệm kỳ X (2022 – 2027), do HT. Thích Minh Thiện và HT. Thích Huệ Thông lãnh đạo cùng tập thể Ban Trị sự đầy tâm huyết đã hoàn thành các công tác Phật sự của Phật giáo tỉnh nhà, xin được khái quát những thành tựu Phật sự quan trọng như sau:
Tổ chức thành công các sự kiện quan trọng:
Tổ chức thành công Đại lễ Phật đản năm 2007 quy mô hoành tráng, làm tiền đề cho Đại lễ Vesak tiếp theo; Đại lễ Phật đản Vesak năm 2008 tại Khu Du lịch Đại Nam; Đại lễ Phật đản Vesak năm 2014 tại trung tâm TP. Mới; Đại lễ Phật đản Vesak năm 2019 tại chùa Hội An với sự chứng minh của chư tôn đức giáo phẩm Trung ương Giáo hội, lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp tỉnh Bình Dương và hàng chục ngàn đồng bào Phật tử trong và ngoài tỉnh đồng về tham dự.
Đại lễ Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hội thảo khoa học: “Thân thế và sự nghiệp Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc” năm 2015. Lễ đón Phật Ngọc cho hòa bình thế giới về chùa Hội An – 2016. Hội nghị giao ban cụm Miền Đông Nam bộ năm 2018: được tổ chức tại chùa Hội An, tham dự có chư tôn đức Trung ương Giáo hội, Thường trực Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh và Đại diện Ban Tôn giáo cụm Miền Đông Nam bộ. Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ hành chánh và thông tin truyền thông Phật giáo khu vực miền Đông và Tây Nguyên năm 2018: khu vực miền Đông & Tây Nguyên (gồm các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Dak Lak, Dak Nông, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng), từ ngày 4-8 tháng 07 năm 2018, tại chùa Hội An. Lễ giỗ lần thứ 90 Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc năm 2019: Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Sở Văn hoa Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương, Bảo tàng Tỉnh tổ chức thành công Lễ giỗ lần thứ 90 Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc vào ngày 23 tháng 11 năm 2019 tại Tổ đình chùa Hội khánh.
Đại lễ cầu siêu cho những nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông 2017: hơn 10.000 người tham dự Đại lễ do Trung ương GHPGVN phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và BTS GHPGVN tỉnh Bình Dương tổ chức tại chùa Hội An. Với thông điệp “Tưởng nhớ người đi – Vì người ở lại”.
Hội thảo Khoa học Phật giáo Cổ truyền năm 2020.
Thiết lập trai đàn cầu siêu và tiếp nhận tro cốt các nạn nhân quá vãng do đại dịch Covid – 19: vào ngày 10 tháng 08 năm 2021, Ban Thường trực Phật giáo tỉnh ra công văn Số 125/BTS-VP, về việc đề nghị các chùa, cơ sở tự viện trên địa bàn tỉnh Bình Dương thiết lập trai đàn cầu siêu và tiếp nhận tro cốt các nạn nhân quá vãng do đại dịch Covid – 19.
Về công tác Tăng sự
Trãi qua 10 nhiệm kỳ, Ban Tăng sự đã tham mưu cho Ban Trị sự Phật giáo tỉnh thống kê lại số lượng cơ sở tự viện và tăng ni trong tỉnh với số lượng cụ thể như sau có 208 cơ sở (208 tự viện và 04 Điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung), với 789 tăng ni; Hàng Giáo phẩm có 118 vị giáo phẩm: Hòa Thượng (17 vị), Thượng Tọa (48 vị), Ni Trưởng (11 vị), Ni Sư (42 vị).
Về tổ chức Giới đàn
Trãi qua 10 nhiệm kỳ nhằm để truyền trì chánh pháp, đồng thời đáp ứng đúng nhu cầu tu học của tăng ni, Thường trực Ban Trị sự Phật giáo Sông Bé – Bình Dương đã tổ chức được 11 Giới đàn, truyền giới cho hơn 5.500 giới tử: Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức xoa, Sa di và Sa di ni, riêng Bồ tát giới truyền trao cho hơn 5000 giới tử. Các Đại giới đàn đều được sự chứng minh và đương vi Đàn đầu của Chư Tôn đức lãnh đạo TWGH như: Đại lão HT. Thích Trí Tấn, Đại lão HT. Thích Trí Tịnh, Trưởng lão HT. Thích Hiển Pháp, Trưởng lão HT. Thích Trí Quảng, Trưởng lão HT. Thích Thiện Nhơn, HT. Thích Thiện Pháp và HT. Thích Minh Thiện. Ngoài ra, Ban Trị sự còn gới thiệu cho hàng trăm giới tử đi thọ giới tại các giới đàn: Tp HCM, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Thuận, Cần thơ, Đồng Tháp, Long An…
Về tổ chức An cư Kiết hạ
An cư Kiết hạ là truyền thống tốt đẹp của Phật giáo, nhằm trao dồi Tam Vô Lậu học tiến tu đạo nghiệp cho chư Tăng Ni, trên tinh thần đó, thực hiện tinh thần Thông bạch của TƯGH, hàng năm Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đều tổ chức An cư cấm túc tại: Tịnh nghiệp đạo tràng An cư Kiết Hạ Tổ đình chùa Hội Khánh (chư Tăng); Tịnh nghiệp đạo tràng An cư Kiết Hạ chùa Thiên Chơn, (Tăng sinh Trường Trung cấp Phật học); Tịnh nghiệp đạo Tràng An cư Kiết Hạ chùa Tây Thiên, (Ni giới); Tịnh nghiệp đạo tràng An cư Kiết Hạ chùa Bồ Đề Đạo Tràng, (Ni sinh Trường Trung cấp Phật học). Số lượng hàng năm Tăng Ni cấm túc an cư khoảng 350 vị tại các điểm an cư cấm túc.
Ngoài ra, có một số Tăng, Ni vì hoàn cảnh “nhất Tăng, nhất tự”, nên chỉ tổ chức an cư tại tự viện, mỗi tháng hai ngày, vào ngày rằm, và ngày 30 hàng tháng vân tập về Tịnh nghiệp đạo tràng Tổ đình chùa Hội Khánh để Kiết giới Bố tát, sinh hoạt Giáo hội. Tổng số Tăng Ni an cư nội – ngoại thiền hàng năm trong toàn tỉnh là: 750 vị.
Về công tác bổ nhiệm trụ trì
Nhằm mục đích tạo điều kiện ổn định cho tăng ni tu học và điều hành tốt mọi Phật sự tại các tự viện, BTS trong các nhiệm kỳ đã tiến hành bổ nhiệm trụ trì tại các tự viện và Ban Hộ tự, đến nay Phật giáo Bình Dương có 208 cơ sở tự viện (208 cơ sở tự viện và 04 điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung), trong đó 195 cơ sở tự viện đã bổ nhiệm trụ trì, các cơ sở còn lại do mới thành lập, hoặc trụ trì mới viên tịch.
Để cho tăng ni nắm vững nghiệp vụ và chức năng của một vị trụ trì, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh thường xuyên mở và tổ chức các Khóa Bồi dưỡng Trụ trì và Nghiệp vụ hành chánh cho chư tăng ni trong tỉnh, nhằm nâng cao được trình độ điều hành Phật sự của chư tăng ni tại các cơ sở tự viện trong địa bàn tỉnh.
Về việc Cấp quyền sử dụng Đất cho cơ sở tự viện
Với sự quyết tâm của Ban Thường trực Tỉnh hội, sự tận tình giúp đỡ của lãnh đạo UBND tỉnh và Sở Địa chính (Sở tài nguyên và Môi trường) do đó tất cả cơ sở tự viện trên địa bàn tỉnh Bình Dương đều đã được chính quyền cấp Quyền Sử dụng đất đạt tỷ lệ giai đoạn đầu 80% và sau đó đã hoàn thành 100% việc cấp Quyền sử dụng đất cho cơ sở Phật giáo, vượt ngoài khả năng mong đợi của tăng ni trụ trì tại các cơ sở tự viện, qua đó có thể nói rằng, Phật giáo tỉnh Bình Dương là đơn vị đi đầu trong cả nước thực hiện rất sớm và thành công trong việc xin cấp Quyền Sử dụng đất cho các cơ sở tự viện trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Về công tác Ni giới
Việc thành lập Phân ban Ni giới tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho Ni giới góp phần vào sự ổn định, phát triển của Phật giáo tỉnh nhà, kể từ khi thành lập Phân ban Ni giới tỉnh Bình Dương vào năm 2011 do Ni trưởng Thích nữ Như Huy làm Trưởng Phân ban, sau khi Ni trưởng Như Huy viên tịch vào năm 2019, Ban Trị sự có quyết định cử Ni trưởng Thích nữ Pháp Như làm Trưởng Phân ban. Phân ban Ni giới tỉnh Bình Dương đã đi vào hoạt động mạnh mẽ, hỗ trợ rất nhiều cho Ban Tăng sự tỉnh trong việc quản lý các cơ sở tự viện Ni giới, việc tổ chức An cư Kiết Hạ hàng năm cho đến tổ chức các Đại giới đàn. Toàn tỉnh Bình Dương có 78 cơ sở tự viện ni (62 ngôi chùa, 14 tịnh xá, 01 thiền viện, 01 Điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung), tổng số chư ni trong toàn tỉnh 402 vị.
Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di năm 2017: Do Phân Ban Ni giới tỉnh Bình Dương thuộc Ban Tăng sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương đăng cai tổ chức Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni với chủ đề chính là “Lịch sử hình thành và phát triển Ni giới”, vào ngày 02 tháng 03 năm 2017, tại chùa Hội An. Ngoài ra, lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ ni Đại Ái Đạo luân phiên hằng năm tại các cơ sở tự viện Ni trong 09 huyện, thị, thành.
Tham gia công tác Xã hội: Thể hiện tinh thần đại đoàn kết toàn dân gắn bó với các tổ chức xã hội, Phân ban Ni giới tỉnh cũng có các vị tham gia là Đại biểu HĐNS các cấp, thành viên MTTQ, của các ban ngành, do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương giới thiệu. Thể hiện tinh thần cứu khổ ban vui và tinh thần tương thân tương ái của người con Phật, Ni giới luôn nêu cao tinh thần phục vụ chúng sanh là thiết thục cúng dường lên chư Phật, toàn tỉnh có 03 cơ sở tự viện thành lập cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi, đã được lãnh đạo chính quyền cấp phép.
Công tác giáo dục
Sự nghiệp giáo dục và đào tạo thế hệ kế thừa là một công việc vô cùng quan trọng, vì vậy để đào tạo thế hệ kế thừa cho Phật giáo tỉnh nhà, Ban Giáo dục Phật giáo đã có nhiều hoạt động mạnh mẽ, đặc biệt là trong sự nghiệp đào tạo thế hệ kế thừa, ngành đã có những thành quả như sau:
Tính đến thời điểm hiện tại Ban giáo dục Phật giáo tỉnh đã thống kê được số lượng Tăng, Ni đã tốt nghiệp và đang theo học các lớp Phật học và thế học như sau:
Đã tốt nghiệp Phật học : Tiến sĩ: 06 vị , Thạc sĩ: 06 vị. Cử nhân: 36 vị, Cao cấp Giảng sư: 25 vị , Cao đẳng: 14 vị, Trung cấp: 30 vị.
Đang theo học Trường Phật học: – Tiến sĩ: 02 vị, Thạc sĩ: 03 vị, Cử nhân: 20 vị , Cao đẳng: 07 vị , Trung cấp: 31 vị , Sơ cấp: 02 vị
Trường Trung Cấp Phật học từ năm 1995 đến nay, khai giảng 6 khoá, đào tạo hơn 900 Tăng Ni sinh đã tốt nghiệp.
Công tác Hoằng pháp
Qua 40 năm, Ban Hoằng pháp đã khẳng định được vai trò và trách nhiệm trong suốt quá trình hình thành, ổn định và phát triển. Tổ chức thành công Hội thảo Hoằng pháp Toàn quốc năm 2011 tại Bình Dương hơn 40.000 người tham dự với chủ đề: “Phật giáo đồng hành cùng dân tộc”. Cùng nhiều hoạt động chào mừng, quy tụ hàng chục ngàn tăng ni và tín đồ Phật tử trên cả nước, Hội thảo đã tạo nên dấu ấn rất quan trọng và đây cũng là một trong những sự kiện nổi bật của Phật giáo Bình Dương. Khóa tập huấn Hoằng pháp viên Phật tử năm 2014: Ban Hoằng pháp Trung ương đã phối hợp cùng Ban Trị sự tỉnh Bình Dương tổ chức Khóa tập
huấn Hoằng pháp viên Phật tử cho hơn 3.000 Hoằng pháp viên từ ngày 01 đến ngày 03 tháng 05 năm 2014 tại chùa Hội An. Toạ đàm Sứ mệnh Hoằng pháp trong thời đại mới: Vào ngày 26 tháng 12 năm 2020, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương, Ban Hoằng pháp Phật giáo tỉnh, và Ban Hoằng pháp Trung ương, tổ chức Toạ đàm với chủ đề “Thảo luận Sứ mệnh Hoăng pháp trong thời đại mới” Ngoài ra, Ban Hoằng pháp thường xuyên đến các đạo tràng trong toàn tỉnh thuyết giảng có tổng cộng có khoảng trên 100 đạo tràng, với 30 vị giảng sư trong tỉnh luân phiên thuyết giảng, hàng ngàn buổi thuyết giảng và hàng ngàn lượt Phật tử tu tập và thính pháp.
Công tác Hướng Dẫn Phật tử
Hiện nay, Ban HDPT tỉnh Bình Dương thống kê trong toàn Tỉnh có 140, trên 208 cơ sở tự viện có đạo tràng sinh hoạt tu học:
Về phân ban Cư sĩ: Đạo Tràng Bát quan trai; Đạo Tràng Tu thiền; Đạo Tràng niệm Phật, Phật thất; Đạo Tràng Pháp hoa; Đạo Tràng Dược sư; Đạo Tràng Đại bi; Khóa tu một ngày an lạc, với số lượng Phật tử tham dự tu học từ 200 – 500 cho mỗi đạo tràng. Tổ chức Khoá tu Mùa hè cho học sinh tham dự hàng năm có trên 2.500 khoá sinh tham dự.
Về Phân ban GĐPT: hiện nay có 05 đơn vị sinh hoạt gồm: GĐPT Chùa Hội Khánh, TP. Thủ Dầu Một; GĐPT chùa Bồ đề Đạo Tràng, Tp. Thuận An; GĐPT chùa Liên Trì, huyện Dầu Tiếng; GĐPT Chùa Phước Hội, huyện Bàu Bàng;
GĐPT Chùa Phước Huệ, huyện Phú Giáo. Tổng số lượng Huynh trưởng và đoàn sinh của các đơn vị thực thuộc Phân Ban GĐPT tỉnh là 276 vị do Huynh trưởng Cao Văn Tài làm Trưởng phân ban.
Công tác Văn hóa
Ban Văn hóa đã được thành lập từ những nhiệm kỳ đầu, góp phần một cách đáng kể vào sinh hoạt văn hóa Phật giáo, trãi qua 10 Nhiệm kỳ, Ban Văn hoá đã gặt hái những thành rất đáng khích lệ. Tổ chức Hội thảo với chuyên đề: “Bác Hồ với Đạo Phật” vào ngày 19-051993, tại Tổ Đình Chùa Hội Khánh. Tham gia chương trình văn nghệ Đại lễ Phật Đản, lễ ra mắt các BĐD, đặc biệt là tham gia hội thi trình diễn văn nghệ quần chúng do MTTQ tổ chức, đã được giải đặc biệt qua bài: “Mái Chùa Quê Tôi” Xuất bản Tập văn Hương Sen đã được giới Phật giáo trong và ngoài tỉnh hoan hỷ đón nhận, hiện nay Tập văn Hương Sen đã ra mắt độc giả đến số 160, xuất bản số lượng gần 200 ngàn quyển. Tham gia, tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật, triển lãm các sự kiện quan trọng của Phật giáo tỉnh. Trãi qua 40 năm thành lập và phát triển, Ban Văn hoá Phật giáo tỉnh Sông Bé – Bình Dương đã cho xuất bản trên 15 đầu sách về các lĩnh vực khác nhau.
Công tác Nghi lễ
Từ khi Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé – Bình Dương được thành lập vào tháng 1 năm 1983, Ban Nghi lễ đã từng bước được kiện toàn và đi vào hoạt động một cách tích cực, góp phần trong hoạt động nghi lễ của Phật giáo tỉnh như:
Trang nghiêm Lễ Đài Chào mừng Phật Khánh đản hằng năm thành công rực rỡ tại Lễ Đài Ban Trị sự Phật giáo tỉnh và các Huyện, Thị, thành. Tham gia và đóng góp tham luận cho các Hội thảo Nghi lễ Phật giáo Toàn quốc do Ban Nghi lễ Trung ương tổ chức. Trong Đại Lễ Phật Đản Vesak Liên Hiệp quốc năm 2008, và Hội thảo toàn quốc của Ngành Hoằng pháp năm 2011, Đại Lễ Vesak 2014, 2019 Ban Nghi lễ đã đóng góp không ít vào việc trang trí Lễ Đài, cờ phướn, và Lập Đàn Chẩn Tế tại Nghĩa Trang Liệt sĩ tỉnh. Hội thảo Nghi lễ Phật giáo năm 2008: Ban Trị sự Tỉnh hội phối hợp với Ban Nghi lễ Trung ương tổ chức Hội thảo về Nghi lễ Phật giáo với Nghi lễ Văn hóa dân tộc. Buổi hội thảo có sự tham dự và thuyết trình của GS.TS. Trần Văn Khê với chủ để: “Sự gắn bó giữa nghi lễ Phật giáo và nghi lễ Văn hóa dân tộc”, có thể nói đây là một Đại lễ quy tụ một số lượng người tham dự chưa từng có, tạo được tiếng vang trong và ngoài nước. Lễ cầu nguyện hòa bình cho biển Đông năm 2014: Đại lễ cầu siêu cho những nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông 2017: được Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức tại chùa Hội An. Với thông điệp “Tưởng nhớ người đi – Vì người ở lại”, Đại lễ cầu siêu cho đồng bào tử vong và các cán bộ chiến sĩ tuyền đầu đã hy sinh trong Đại dịch Covid-19 và nhiều sự kiện nghi lễ quan trọng khác.
Công tác Pháp chế
Ban Pháp chế rất cần thiết cho việc điều hành và ổn định Giáo hội, đặc biệt trong một xã hội của thời đại công nghệ thông tin đang phát triển, dân trí ngày càng cao thì việc khuyến khích chư Tăng Ni ngoài việc tu hành đúng theo giới luật và Hiến chương của Giáo hội còn phải am tường và thực hành đúng theo những quy định của pháp lệnh tín ngưỡng của Nhà nước là một việc vô cùng quan trọng. Ban Pháp chế hỗ trợ pháp lý cho chư Tôn đức Ban Trị sự giải quyết các vụ tranh chấp, thưa kiện đất đai liên quan đến các cở sở tự viện. Đề xuất lên Ban Thường trực Phật giáo tỉnh giải quyết những sự vụ phù hợp với Hiến chương, Quy chế, Nội quy và pháp luật Nhà nước liên quan đến các cơ sở tự viện, tăng ni, Phật tử trong tỉnh.
Công tác Kiểm soát
Đề xuất lên Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh gửi công văn đến các cơ sở tự viện những Tăng, ni nào không thường tham gia các hoạt động của Giáo hội và có phương pháp chế tài đến các cơ sở Tự viện- Tăng, ni không tham gia sinh hoạt. Kiểm soát các hoạt động Phật sự và nhận xét các Hội nghị Sơ kết, Tổng kết và các kỳ họp quan trọng của Giáo hội tỉnh, huyện đúng theo quy định; Đồng thời theo dõi, đôn đốc, cập nhật hoạt động của các Ban một cách đồng bộ, nhịp nhàng. Đôn đốc Ban Kiểm soát của các Ban Trị sự Phật giáo các huyện, thị, thành khuyến khích Tăng, ni huyện nhà tham gia các hoạt đồng Phật sự tại địa phương và đăng ký an cư kiết hạ một cách đầy đủ.
Công tác Từ thiện Xã hội
Từ thiện là một Ban khá quan trọng của Phật giáo, nhằm thể hiện tinh thần “Từ bi cứu khổ” của đạo Phật, qua đó chuyển tải giáo lý giác ngộ của đấng Từ phụ vào đời sống tâm linh của đồng bào Phật tử các nơi bị thiên tai, lũ lụt.
Trãi qua 10 Nhiệm kỳ, Ban Từ Thiện Phật giáo tỉnh Sông Bé- Bình Dương đã tích cực tham gia các phong trào từ thiện tại địa phương, phong trào lá lành đùm lá rách tại các vùng thiên tai, lũ lụt, cho xe lăn, xe lắc, Nồi súp tình thương, cất nhà tình thương, tình nghĩa, chăm lo cho các bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Đến khi Đại dịch Covid-19 bùng phát, toàn thể Ban Trị sự, tăng ni, tín đồ Phật tử cùng chung sức vào các công tác từ thiện, hỗ trợ Nhà nước và nhân dân vượt qua Đại dịch với số tiền hàng trăm tỷ đồng, cùng các hoạt động nhân đạo như tổ chức Pháp hội Dược sư cầu an, Trai đàn cầu siêu Covid-19, tiếp nhận tro cốt cho các nạn nhân tử vong vì Đại dịch. Cứu trợ ủng hộ thiết bị y tế cho bệnh viện dã chiến, nhu yếu phẩm cho những nơi bị phong tỏa cách ly trên địa bản tỉnh Bình Dương..v..v, cho đến nay Tổng kinh phí mà Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé-Bình Dương đã thực hiện công tác từ thiện an sinh xã hội qua 10 nhiệm kỳ trên 600 tỷ đồng.
Công tác Thông tin Truyền thông
Lập ra quy chế cho Ban, phân công cụ thể công việc đến từng thành viên để các thành viên làm tốt công tác được giao phó. Thành công Lễ ký kết phối hợp hoạt động của Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh với Hội Hữu Nghị Việt Nam- Ấn Độ Tiếp nhận quản lí trang web phatgiaobinhduong.com
Tuyên truyền những sự kiện quan trọng của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh. Xử lý thông tin nhanh kết nối với Phật sự online đưa tin kịp lúc sau khi diễn ra các sự kiện quan trọng của Phật giáo tỉnh, chụp ảnh đưa tin các sự kiện của Phật giáo tỉnh như đón tiếp các phái đoàn đến thăm là làm việc tại Ban Trị sự GHPGVN tỉnh như: Đưa tin cuộc họp định kỳ hàng tháng của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh cũng như các buổi lễ do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh tổ chức; Cử nhân sự đến các cơ sở, đạo tràng trong tỉnh chụp hình, quay phim và đưa tin về các buổi lễ. Chủ động nắm bắt và xử lý những thông tin sai lệch trên mạng, đặc biệt là những thông tin có liên quan đến Tăng Ni trên địa bàn tỉnh…
Công tác Phật giáo Quốc tế
Ban Phật giáo Quốc tế thực hiện tốt công tác Phật sự chung của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh với nhiều hoạt động tổ chức tiếp đón các đoàn nước ngoài như Ấn Độ, Ngài TepVong, đoàn công tác Ủy ban Mặt trận Lào xây dựng đất nước Champasac và Viện Kiểm sát Nhân dân Lào, tỉnh Champasac, Hàn Quốc, Tây Tạng, Trung Quốc, Thái Lai, Myanma, Nhật BẢn… đến thăm và làm việc tại chùa Hội Khánh, trụ sở Ban Trị sự Phật giáo tỉnh.
Công tác Kinh tế Tài chính
Ban Kinh tế Tài chánh đã có nhiều tích cực để tạo nguồn kinh phí cho hoạt động của Ban Trị sự, phần lớn nguồn kinh phí thu được từ sự phát tâm của Tăng Ni và tiền niên liễm của các Ban Trị sự Phật giáo huyện, thị, thành đóng góp; bên cạnh đó Ban Kinh tế Tài chánh chi vào những việc như đóng niên liễm về Trung ương Giáo hội, kinh phí tổ chức Lễ đài Phật đản, các sự kiện quan trọng của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh và công tác Phật sự liên quan.
40 năm Một Chặng Đường:
Có thể nói Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương luôn được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của chư tôn đức lãnh đạo Trung ương Giáo hội, sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các ngành hữu quan tỉnh đã hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Ban Trị sự có thể tổ chức các sự kiện Phật sự theo đúng chương trình, kế hoạch đã đề ra. Cộng thêm đó là đội ngũ nhân sự được trẻ hóa tràn đầy năng lượng tích cực, thì đây là những yếu tố góp phần mang lại những thành tựu khả quan này. Với những thành tựu sinh hoạt Phật sự vô cùng to lớn, đóng góp tích cực vào sự nghiệp ổn định và phát triển của Giáo hội, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng quê hương Bình Dương ngày thêm giàu đẹp, vì vậy mà trong suốt 40 năm qua đã có nhiều cá nhân và tập thể tiêu biểu trong Ban Trị sự Phật giáo Sông Bé – Bình Dương đã được Chủ tịch Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương Lao Động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; bằng Tuyên dương Công đức của Trung ương Giáo hội, Uỷ ban TƯ MTTQVN, nhiều Huy chương, Kỷ niệm chương, nhiều bằng khen của của UBND tỉnh Bình Dương, UBMTTQ tỉnh Bình Dương.
Trãi qua chặng đường 40 năm nhìn lại, Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé- Bình Dương đã có một sự phát triển rất đáng trân trọng, như lời dạy của Đức Phật: “Ngày nào mà chư tỳ kheo còn ngồi lại với nhau trong tinh thần đoàn kết, bàn thảo với nhau trong tinh thần đoàn kết, và đứng lên giải tán trong tinh thần đoàn kết, thì ngày đó Đạo Phật vẫn còn hưng thịnh”, lời dạy này là chân lý cho các thời đại, qua đó chúng ta thấy rất rõ muốn phát triển Phật giáo vững mạnh trong lòng Dân tộc, trong thời đại ngày nay thì việc phát huy sức mạnh của Tăng đoàn là yếu tố tiên quyết trong tinh thần đoàn kết, hoà hợp, trưởng dưỡng đạo tâm trang nghiêm Giáo hội ../.
Quí Nguyễn
Thường trực Ban biên tập