Bình Dương: Giới luật Đại cương và vai trò của vị trụ trì hoằng pháp theo tinh thần của các vị Bồ tát
PGBD – Nằm trong chương trình khóa bồi dưỡng trụ trì cũng như nhận thấy giới luật có vai trò rất quan trọng, quyết định sự hưng vong của đạo Phật nên lịch đại chư vị Tổ từ Tây Thiên sang Đông Thổ đến Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện tại đã và đang gìn giữ, kế thừa mạng mạch Phật pháp bằng truyền thống Tổ tổ tương truyền, Sư sư tương thọ. Trải qua hơn 25 thế kỉ, hôm nay mạng mạch ấy vẫn luôn được truyền lưu, chảy mãi không ngừng.
Trên tinh thần đó, Khóa BDTT 2023 tổ chức tại Trung tâm Văn hóa tượng Phật nhập Niết-bàn Tổ đình chùa Hội Khánh (phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một) đã bước vào ngày làm việc thứ 03 chiều ngày 19/6/2023 , với sự hiện diện thuyết giảng của HT. Thích Thiện Duyên – Ủy viên HĐTS, Phó ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Bình Dương đã quang lâm và chia sẻ, sách tấn chư Tôn đức Tăng Ni giữ vai trò trụ trì cần phải giữ gìn, hành trì và áp dụng giới luật vào trong đời sống của người xuất gia. Vị trụ trì là sứ giả trong việc hoằng dương Phật pháp, bởi lẽ, ngôi chùa là nơi quy tụ quần chúng Phật tử, gắn bó với mọi hoạt động của con người và xã hội. Công cuộc tuyên dương chánh pháp chịu ảnh hưởng rất lớn bởi công năng tu tập và hiệu quả gánh vác các hoạt động Phật sự địa phương của vị trụ trì. Ở góc độ thực tế, vai trò người trụ trì trở thành tác nhân trung tâm của mọi vận động Phật sự và chuyển tải nội dung Phật pháp vào xã hội, giúp cho giáo pháp của Đức Phật được lan tỏa khắp nơi, đến với nhiều đối tượng khác nhau.
Việc nghiêm trì giới luật là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu của vị trụ trì. Đạo hạnh uy nghiêm mới có thể làm chỗ nương tựa vững chắc cho tứ chúng noi theo tu tập và đảm đương vai trò sứ mạng hoằng pháp độ sanh. Khi giới luật được giữ gìn một cách thanh tịnh thì tính cách ly trần thoát tục của một bậc xuất gia hiện bày. Mọi người khi nhìn vào đạo hạnh sáng ngời của vị trụ trì sẽ phát tâm quy hướng Phật pháp. Do đó, việc giữ gìn giới luật của vị trụ trì không chỉ lợi ích cá nhân mà còn làm lợi ích cho rất nhiều người. Đây là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự cảm hóa quần chúng đến với đạo Phật, dẫn đến thành công trong quá trình hoằng dương chánh pháp.
Cũng trong buổi chiều cùng ngày, TT. Thích Chơn Phát – Uỷ viên HĐTS, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Giáo dục Phật giáo GHPGVN tỉnh Bình Dương đã chia sẻ đến chư Tôn đức Tăng Ni học viên khóa bồi dưỡng trụ trì về vai trò của người trụ trì trong sự nghiệp hoằng pháp và quản lý tự viện. Theo Thượng tọa, vào thời Đức Phật còn tại thế, danh từ trụ trì chính là chỉ chung cho mỗi hành giả tu tập, thì ngày nay khi nói tới danh từ trụ trì, người ta nghĩ ngay đến người đang đảm trách quản lý một cơ sở tự viện và điều hành mọi Phật sự tại ngôi tự viện đó. Như vậy danh tự trụ trì ở đây nhằm nhắc nhở bổn phận thiêng liêng của một vị Sa-môn Thích tử “Trụ pháp vương gia – Trì Như Lai tạng”, vừa có ý nghĩa gắn kết trách nhiệm của người gìn giữ, quản lý cơ sở sinh hoạt tu hành cho Giáo hội, và cũng là chức vị được Giáo hội bổ nhiệm và phân công tác rất rõ ràng, đó là tổ chức, điều hành, quản lý và gánh vác sứ mạng hoằng pháp tại nơi mình cư trú.
Trụ trì là chủ thể, là linh hồn của ngôi tự viện, giữ vai trò lãnh đạo, tiếp Tăng độ chúng, là nhà giáo dục tâm linh dẫn dắt tín đồ hướng đến đời sống thuần lương đạo đức, tu tập giải thoát theo giáo lý đức Phật. Sự thịnh suy của ngôi chùa, ở mặt nào đó, cho thấy sự thịnh suy của đạo Phật tại địa phương và ảnh hưởng đến sự thịnh suy chung của Phật giáo nước nhà. Trong thời đại phát triển hội nhập như hiện nay, vai trò trách nhiệm của người Trụ trì càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Tăng Ni Trụ trì là những nhân tố, là nền tảng để tạo nên Tăng đoàn đại diện cho Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng) hoằng dương chánh pháp, phổ độ chúng sanh. Trụ trì là người có điều kiện thường xuyên tiếp cận Phật tử, giải quyết những vấn đề vướng mắc trong tu học và định hướng một đời sống đạo đức tâm linh cho họ. Do vậy, vai trò của vị trụ trì trở thành trung tâm chuyển tải nội dung Phật pháp, khơi nguồn tuệ giác trong mỗi người và cũng là trung tâm vận động mọi Phật sự nơi địa phương khi cần thiết, cần sẵn sàng vì cảm hóa chúng sanh mà chịu khổ, không từ lao nhọc, vất vả giống như thuở xưa, hình ảnh Ngài Địa Tạng Vương Bồ tát cầm tích trượng vào địa ngục cứu độ chúng sanh đang trầm luân nơi biển khổ, để chư Phật an tâm vào Niết-bàn. Theo đó, ngày nay các vị trụ trì cần học theo hạnh nguyện của chư vị Tổ sư, Bồ tát mà dùng các phương tiện thiện xảo để cảm hóa hàng cư sĩ tại gia cũng như là tế độ người xuất gia, phải bằng tất cả tấm lòng và có phương pháp, thực hiện mọi Phật sự phải đúng theo Chánh pháp và giới luật của Đức Phật. Không tham cầu tín đồ cho đông, phải ra sức giáo dưỡng, tạo điều kiện để họ tu tập, không lợi dụng.
Thiết nghĩ, vị trụ trì là cái hồn của ngôi chùa, ngôi chùa có hưng thịnh hay không, Tăng Ni Phật tử có quy tụ về tu tập đông đủ hay không, đều nhờ vị trụ trì có đức độ, quyền xảo, có khả năng chuyển hóa và tâm hồn bi mẫn, là nhà giáo dục tâm linh dẫn dắt tín đồ hướng đến đời sống thuần lương đạo đức, tu tập giải thoát theo giáo lý đức Phật sao cho phù hợp với thời đại. Vị trụ trì là nhà hoằng pháp hữu hiệu nhất, là điều kiện thuận lợi để đưa đạo pháp vào đời sống nhân sinh.
Đây là khóa học hết sức ý nghĩa cho chư vị Tỳ kheo Ni thấy được tầm quan trọng của giới luật trong đời sống phạm hạnh cũng như sự tồn tại của Phât pháp. Đây còn là dịp để chư Tôn đức Tăng Ni Trụ trì được giải đáp những thắc mắc và củng cố mở rộng kiến thức, sự hiểu biết để hoàn thành vai trò của mình đã được Giáo hội bổ xứ, để xứng đáng là nhà mô phạm dẫn dắt hậu lai, báo ân Phật.
Dưới đây là một số hình ảnh được ghi nhận lại:
Ban TT-TT PG Bình Dương