Bình Dương: Ni trưởng Thích nữ Như Như quang lâm khóa Bồi dưỡng Giới luật Ni giới 2023
PGBD – Tiếp tục buổi học ngày thứ 2 của khóa Bồi dưỡng Giới luật Ni giới 2023 do Phân ban Ni giới Phật giáo tỉnh Bình Dương tổ chức tại Trung tâm Văn hóa tượng Phật nhập Niết Bàn – Tổ đình chùa Hội Khánh (phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một). Sáng ngày 03/8/2023, Ni trưởng Thích nữ Như Như – Phó trưởng Ban Thường trực Phân ban Ni giới TƯ đã nhận lời kiền thỉnh của Ban Tổ chức, quang lâm thuyết giảng cho gần 300 chư Ni hiểu thêm về mục đích của việc Bố-tát, thuyết giới trong mùa An cư Kiết hạ và các nguyên tắc chi phối đời sống của cộng đồng Tăng lữ.
Tại buổi pháp thoại, Ni trưởng đã chia sẻ đến đại chúng về duyên khởi cũng như ý nghĩa của việc Bố-tát, thuyết giới trong mùa An cư Kiết hạ theo Luật Tứ Phần Chương. Ni trưởng cho biết: Tăng đoàn đệ tử của Phật được thiết lập trên nguyên tắc hòa hợp và dân chủ. Ba La Đề Mộc Xoa là sợi dây ràng buộc các thành viên của cộng đồng Tăng lữ, bằng kỷ luật tu đạo vào đời sống hòa hợp tập thể việc Thuyết giới định kỳ là biểu hiện đời sống ấy. Trú xứ nào, Tỳ kheo Ni không hòa hợp Thuyết giới theo định kỳ nửa tháng, nơi ấy, Tăng đoàn được coi là bị chia rẽ. Vì vậy, việc Thuyết giới định kỳ còn có mục đích chủ yếu là duy trì sinh mạng tồn tại của Tăng đoàn theo tinh thần hòa hợp thanh tịnh.
Ngoài ra, ngày Bố-tát không chỉ giới hạn trong sự Thuyết giới của Tăng, mà còn được mở rộng cho các đệ tử tại gia với hình thức Tám Học Xứ, gọi là Giới Cận Trụ trong thời hạn một ngày một đêm. Tóm lại, ngày Bố-tát theo phạm vi nghĩa hẹp là hòa hợp để giữ gìn sự thanh tịnh trong Tăng đoàn, và nghĩa rộng là ngày “Trai giới” để dọn mình và Trưởng tịnh để nuôi lớn thiện pháp, là ngày mà các đệ tử xuất gia, tại gia đồng tu đạo nuôi lớn thiện căn và là yếu tố chính duy trì sinh mạng của Tăng đoàn.
Đồng thời, Ni trưởng còn chỉ dạy thêm cho chư Tôn đức Ni Phật giáo tỉnh Bình Dương về các nguyên tắc chi phối đời sống của cộng đồng Tăng lữ. Trong đó gồm: Bảy pháp bất thối, bảy pháp diệt tránh, sáu pháp khả hỷ. Nói tóm lại, thì nền tảng cho sự tồn tại của Tăng đoàn là thanh tịnh và hòa hiệp. Chủ đích của các pháp Yết-ma là tạo sự thanh tịnh cho các Tỳ-kheo. Người nào phạm cần phải sám hối và sám hối như thế nào là như pháp để không có sự cơ hiềm cho các Tỳ-kheo khác. Mối liên hệ giữa các Tỳ-kheo trong sự hỗ tương quan hệ về các bổn phận và quyền lợi cần được xử lý như thế nào để cho không có sự tranh chấp giữa các Tỳ-kheo ấy là công dụng của pháp Yết-ma.
Qua hơn 4 giờ đồng hồ, Ni trưởng Thích nữ Như Như đã nêu lên tầm quan trọng của việc Bố-tát, thuyết giới trong mùa An cư Kiết hạ và các nguyên tắc chi phối đời sống của cộng đồng Tăng lữ. Hơn nữa, việc giữ gìn giới luật đối với người tu sĩ: “Giới là mạng mạch của Phật pháp; Giới luật còn là Phật pháp còn”. Người học Phật muốn giữ giới thanh tịnh trước hết là phải học giới và hiểu giới. Khi chúng ta đã hiểu tính chất của các giới điều rồi thì sẽ không còn nghi ngờ; điều quan trọng là khi tiếp xúc các pháp chúng ta sẽ dễ dàng nhận định cái gì nên làm và cái gì không nên làm. Như vậy khi đã hiểu giới rồi thì chúng ta không bị sai phạm trong những lúc giao tiếp trong cuộc sống thường nhật.
Buổi thuyết giảng tại khóa Bồi dưỡng Giới luật Ni giới tỉnh Bình Dương khép lại trong niềm hoan hỉ của toàn thể Ni giới tỉnh nhà.
Ban TT-TT PG Bình Dương