Bình Dương: Ni trưởng Thích nữ Như Đức quang lâm khóa Bồi dưỡng Giới luật Ni giới 2023
Tiếp tục buổi học ngày thứ 2 của khóa Bồi dưỡng Giới luật Ni giới 2023 do Phân ban Ni giới Phật giáo tỉnh Bình Dương tổ chức tại Trung tâm Văn hóa tượng Phật nhập Niết Bàn – Tổ đình chùa Hội Khánh (phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một). Chiều ngày 03/8/2023, Ni trưởng Thích nữ Như Đức – Cố vấn Phân ban Ni giới Trung ương đã nhận lời kiền thỉnh của Ban Tổ chức, quang lâm thuyết giảng cho gần 300 chư Ni hiểu thêm về Tổng quan về giới của Tỳ-kheo-Ni, giới luật là nền tảng của sự giải thoát, an lạc.
Theo đó, Ni trưởng cho biết: Giới Tỳ-kheo còn được gọi là giới Cụ túc (Upasampāda) mang ý nghĩa thể hiện đầy đủ mẫu mực đời sống của một thánh giả A-la-hán. Theo Yết-ma yếu chỉ, đời sống cao thượng của A-la-hán có 4 sự thanh tịnh: thanh tịnh về biệt giải thoát luật nghi; thanh tịnh về phòng hộ căn môn; thanh tịnh về phương tiện sinh sống; thanh tịnh do chánh niệm tỉnh giác. Giới Tỳ-kheo-Ni thể hiện trọn vẹn bốn sự thanh tịnh ấy. Giới luật có khả năng phòng hộ, như một bờ đê vững chắc ngăn cản những dòng nước đục từ bên ngoài tràn vào. Cho nên, việc thọ giới không thể hiểu như là hình thức tuyên thệ thông thường. Việc thọ giới thiêng liêng chính ở sự “đắc giới”, sự phát sinh một năng lực vô biểu phòng hộ thân, ngữ khiến cho vị ấy tránh sa vào các hành vi bất thiện.
Như vậy, giới luật Phật chế không phải là những ràng buộc, nhằm bảo vệ uy tín, quyền lợi của đoàn thể xuất gia, mà hướng tới quyền lợi cho chính bản thân người lãnh thọ. Tuy nhiên, một khi đã là thành viên trong đoàn thể xuất gia, hành vi của một vị Tỳ-kheo-Ni trực tiếp hay gián tiếp ảnh hưởng đến hình ảnh Tăng-già; ngược lại, hình ảnh đoàn thể cũng phản chiếu trong chính vị ấy, tạo sự liên đới, gắn bó mật thiết. Do đó, khi một vị Tỳ-kheo-Ni sai quấy, chắc chắn sẽ gây tổn thương cho hình ảnh của Tăng đoàn.
Giới luật Phật chế nhấn mạnh sự tịnh hóa trong đời sống xuất gia. Tất nhiên, để có được một đời sống thanh tịnh, vị Tỳ-kheo càng giữ tròn nhiều giới càng có nhiều thành tựu. Bởi khi thọ trì một giới điều do Phật chế định, giới điều ấy có khả năng loại bỏ một hành vi bất thiện, như nghĩa của “biệt giải thoát”. Theo Trưởng lão Tỳ-kheo Thích Trí Quang, trong Tổng tập giới pháp xuất gia, thì con số 250 hay 348 giới có vẻ mênh mang, nhưng tựu trung lại chỉ gồm có hai loại: giới luật và oai nghi. Giới luật là những điều cấm tội lỗi thực sự (mà bất kỳ ai cũng cần phải giữ); oai nghi là những điều cấm cử động bất xứng. Trong đó, 4 Ba-la-di là giới luật, 100 học pháp là oai nghi, phần còn lại gồm cả hai.
Hiểu được thế, việc giữ giới sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều. Như Giới kinh của Đức Phật Ca Diếp dạy: “Chớ làm điều ác, gắng làm việc lành, giữ tâm ý trong sạch. Ấy, lời chư Phật dạy”; hoặc Giới kinh của Đức Phật Câu Lưu Tôn: “Vị Tỳ-kheo đi vào làng khất thực, cũng ví như con ong đi kiếm hoa, chỉ lấy mật rồi đi chứ không làm tổn thương hương sắc. Chớ nên ngó lỗi người, chớ nên coi họ đã làm hay không làm; chỉ nên ngó hành động của mình, coi đã làm được gì hay chưa làm được gì”. Giữ thân, ngữ, ý thanh tịnh; phòng các hành vi gây tổn hại đến hình ảnh Tăng-già, như vậy, vị Tỳ-kheo có thể dễ dàng giữ giới.
Trong buổi giảng, Ni trưởng nhấn mạnh và sách tấn chư Ni trên toàn tỉnh Bình Dương, hãy luôn nhớ rõ giới luật là sinh mạng, là sự sống của mọi người con Phật, nhất là chúng xuất gia – những người “thừa Như Lai sứ, tác Như Lai sự”, giới rất quan trọng – tác thành một vị Tỳ-kheo như pháp, mà chính đây là nền tảng, là của báu giúp ta trở thành một vị Phật tương lai, nếu phạm thì chắc chắc chúng ta không bao giờ đi tới. Cho nên, Tổ Quy Sơn dạy: “Phù xuất gia giả phát túc siêu phương, tâm hình dị tục thiệu long Thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo Tứ ân, bạt tế Tam hữu …”. Đặc tính của Giới là đem sự an vui, hạnh phúc cho mình và cho người, điều hòa được sinh hoạt tập thể của Tăng-già, tạo niềm tin cho kẻ khác, đem lại lợi ích an lạc giải thoát cho tự thân người hành trì Giới luật. Giới luật của Phật chính là phương tiện để cho mỗi cá nhân tu tập đạt được lợi ích an lạc. Giới luật cũng là một cái thước đo tiêu chuẩn về mặt hình thức của một con người, là nền tảng của sự giải thoát, là nấc thang cho xã hội vươn lên về mọi mặt. Giới luật là nền tảng đạo đức không có giới hạn, lại càng mang ý nghĩa thực tiễn sống động của nguyên lý đạo đức. Có thể nói, Giới luật là viên ngọc quý, chúng ta càng mài sẽ càng đẹp. Từ đó, biểu hiện ra giá trị đích thực của nó. Do đó, mỗi chúng ta hãy tinh tấn hành trì Giới luật như nắm giữ hạnh phúc cao quý nhất của mình.
Buổi học khép lại trong niềm hoan hỉ và toàn thể Ni giới tỉnh Bình Dương hiểu rõ thêm về giới luật, nương vào đó mà hành trì và tu tập, tìm về sự an lạc, giải thoát.
Ban TT-TT PG Bình Dương