DI SẢN VĂN HÓA HÁN NÔM TRONG NHỮNG NGÔI MỘ THÁP TẠI CHÙA HỘI KHÁNH, TP. THỦ DẦU MỘT, TỈNH BÌNH DƯƠNG

Chùa Hội Khánh là một trong những ngôi cổ tự được xây dựng sớm nhất, có bề dày lịch sử nhất và là một trong những danh tự bậc nhất ở tỉnh Bình Dương. Được xây dựng từ năm 1741 do thiền sư Đại Ngạn đặt đá khai sơn, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, qua khói lửa chiến tranh, qua nhiều đợt trùng tu sửa chữa, năm tháng dường như ngày càng lắng đọng trên mái chùa cổ. Đã có nhiều công trình, bài viết đề cập đến lịch sử, đến nghệ thuật kiến trúc, đến hệ thống tượng thờ, đến truyền thống yêu nước của các nhà sư trong chùa Hội Khánh. Bài viết này xin đề cập đến một giá trị khác của chùa mà không ngôi chùa nào trong tỉnh Bình Dương có được. Đó là văn hóa Hán Nôm trong các ngôi mộ tháp – nơi thờ tự các vị thiền sư sau khi viên tịch với nhiều thể loại, từ các hoành phi, câu đối cho đến các bài kệ, bài ký, hình thành nên một mảng văn học Hán Nôm Phật giáo độc đáo, riêng có tại ngôi danh lam cổ tự này.

Chùa Hội Khánh gồm 11 ngôi mộ tháp, phân bố rải rác xung quanh khuôn viên chùa. Các mộ tháp thường có ba tầng, trong đó có mộ tháp của Hòa hượng Từ Văn, hòa thượng Ấn Long, hòa thượng Chánh Đắc và hòa thượng Chương Đắc là những mộ tháp lưu giữ nhiều di sản văn hóa Hán Nôm. Di sản văn hóa Hán Nôm tại các mộ tháp khá phong phú, bao gồm chữ thờ, câu đối, các bài thơ thiền, các bài kệ và đặc biệt là bài vãn tại mộ tháp hòa thượng Từ Văn là bài vãn Hán Nôm duy nhất trong văn học Hán Nôm Phật giáo tại Bình Dương.

1. Hệ thống câu đối tại mộ tháp

Câu đối tại mộ tháp thường được bố trí tại hai bên các bình phong trước, bình phong sau; ở hai cạnh các mặt của tháp; ở hai trụ của khu mộ. Vì vậy số lượng câu đối tại mộ tháp khá nhiều. Câu đối tại các mộ tháp trước hết thường thể hiện công đức của vị hòa thượng nằm trong mộ tháp

日 月 代 明 人 作 至

德 音 永 播 石 能 言

Phiên âm:

Nhật nguyệt đại minh nhân tác chí

Đức âm vĩnh bá thạch năng ngôn

Diễn nghĩa:

Ngày tháng lại tiếp ngày tháng, người rèn được chí lớn

Tiếng đức lan truyền dài lâu, rộng rãi đến mức đá cũng phải thốt nên lời

和 光 同 塵 普 為 人 天 開 眼 目

尚 德 明 義 湧 於 宇 宙 作 津 梁

Phiên âm:

Hoà quang đồng trần phổ vị nhân thiên khai nhãn mục

Thượng đức minh nghĩa dũng ư vũ trụ tác tân lương

Tạm dịch:

Hoà ánh sáng, đi với bụi trần, khai mắt cho khắp cõi trời người

Nâng cao đức lớn, làm rõ nghĩa dày, xây cầu cho tận cùng vũ trụ

Hòa quang đồng trần, nghĩa là hòa ánh sáng cùng với bụi, nghĩa là hòa hợp với trần tục mà không tự lập dị. Từ ngữ này có xuất xứ từ câu Hòa kì quang, đồng kì trần của Lão tử. Trong Phật giáo, từ ngữ này được dùng để chỉ cho việc Phật, Bồ Tát vì cứu độ chúng sinh phải ẩn giấu ánh sáng trí tuệ, dùng thân ứng hóa tạm thời để kết duyên với chúng sinh, lần lượt dẫn dắt họ vào Phật pháp, không bị những điều ác làm ô nhiễm.

丁   丑    夏   降   神   入   道  超  人  惟   學  死

辛   未   冬   示   寂   歸   空  隨  佛   證   無   生 Phiên âm:

Đinh Sửu hạ, giáng thần nhập đạo siêu nhân, duy học tử Tân Mùi đông, thị tịch quy không tùy Phật, chứng vô sanh

Tạm dịch:

Mùa hạ năm Đinh sửu, người siêu trí sáng tâm nhập đạo, biết được cái chết

Mùa đông năm Tân Mùi, thị tịch quy không cửa Phật, chứng được quả vô sanh

Các câu đối trên được thể hiện trên mộ của hòa thượng Từ Văn. Đại lão hoà thượng Thích Từ Văn, pháp hiệu Chơn Thinh, thế danh là Nguyễn Văn Tầm, thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 40, là hoà thượng trụ trì thứ 6 chùa Hội Khánh. Hòa thượng sinh năm Đinh Sửu (1877), viên tịch năm Tân Mùi (1931), xuất gia từ khi mới 11 tuổi và trở thành trụ trì chùa Hội Khánh khi mới 29 tuổi. Hoà thượng Từ Văn là bậc cao tăng thạc đức, có công lớn trong phong trào chấn hưng Phật giáo và được tôn xưng là Hoà thượng Cả của vùng Nam Bộ. Những câu đối trên đều có nội dung ca ngợi đức độ và trí sáng của hòa thượng Từ Văn, từ khi sinh ra đã học/biết được cái chết, ngộ lý chân không, chứng được quả vô sanh, là những thấu ngộ cao nhất của người tu Phật. Hoặc thể hiện sự vô thường của cái chết theo quan điểm của nhà Phật

  • 大還 本 故
  • 蘊觀 皆 空

Phiên âm:

Tứ đại hoàn bản cố Ngũ uẩn quan giai không Tạm dịch:

Tứ đại về nguyên bản

Ngũ uẩn thảy là Không

幻 質 渾 成 三 更 夢剎 那 頓 入 九 朝 泉

Phiên âm:

Huyễn chất hỗn thành tam canh mộng

Sát na đốn nhập cửu triêu tuyền

Diễn nghĩa:

Đời người hư huyễn như giấc mộng canh ba

Chỉ trong 1 sát na ngay lập tức nhập vào cái chết

(Tứ đại) là bốn yếu tố lớn: Địa, Thuỷ, Hoả, Phong. Theo luận Câu Xá, Tứ đại có hai loại là Giả và Thực, trong đó, Tứ đại thực gồm: Địa, Thuỷ, Hoả, Phong và

Tứ đại thực là bốn yếu tố trên hoà hợp với Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc.五(Ngũ uẩn) gồm: Sắc uẩn: chủ chung mọi vật chất hữu hình như năm căn, năm cảnh…; 2. Thụ uẩn: chủ tác dụng cảm thụ sự vật của tâm đối với cảnh; 3. Tưởng uẩn: chỉ tác dụng tưởng tượng sự vật của tâm đối với cảnh; 4. Hành uẩn: tác dụng về mọi thứ thiện ác như sân, tham, si… của tâm đối với cảnh; 5. Thức uẩn: bản thể hiểu biết phân biệt sự vật của tâm đối với cảnh. Đời người hư huyễn, sống hay chết cũng chỉ là ý niệm và cái chết của một con người cũng chỉ là sự tuần hoàn để trở về nguyên bản, trở về Không.

2. Các bài thơ thiền, các bài kệ, tụng

Có 20 bài kệ, thơ thiền và tụng trong các mộ tháp tại chùa Hội Khánh. Những bài thơ thiền, bài kệ này được chọn lọc từ các tập thơ “Tây phương bách vịnh”, “Sơn cư bách vịnh”, “Tuyển tập các bài thơ Thiền của Trần Nhân Tông”… để vịnh cảnh chùa, nói lên tâm thế của người tu đạo. Một số bài tiêu biểu:

是 非 念 逐 朝 花 落

名 利 心 隨 夜 雨 寒

花 盡 雨 時 山 寂 寂

一 聲 啼 鳥 又 春 殘

Phiên âm:

Thị phi niệm trục triêu hoa lạc

Danh lợi tâm tuỳ dạ vũ hàn

Hoa tận vũ thời sơn tịch tịch

Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn

Tạm dịch:

Phải, trái rụng theo hoa buổi sớm

Lợi, danh tâm lạnh với mưa đêm

Hoa tàn, mưa tạnh, non im ắng5

Xuân cỗi còn dư một tiếng chim

Bài thơ trên có tên Sơn phòng mạn hứng (山房漫興) của Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308). Bài thơ hướng tới việc miêu tả sự vi diệu của thế giới bên trong hơn là quan tâm đến sự phong phú sống động của thế giới hình sắc tồn tại khách quan, bên ngoài, được coi là sự bày tỏ trạng thái tinh thần, tâm tư, hoặc nhận thức của một con người đã giác ngộ chân lý.

香 嚴 銜 樹 示 多 人

要 引 同 袍 達 本 真

擬 議 即 從 言 下 取

喪 身 朱 命 數 如 塵

汾 陽 爲 你 開 迷 路

雲 散 長 天 日 月 新

Phiên âm:

Hương nghiêm hàm thụ thị đa nhân

Yếu dẫn đồng bào đạt bản chân

Nghĩ nghị tức tòng ngôn hạ thủ

Táng thân châu mệnh sổ như trần

Phần dương vi nhĩ khai mê lộ Vân tán trường thiên nhật nguyệt tân

Tạm dịch:

“Hương Nghiêm hàm thụ” mách chúng nhân

Dẫn dắt đồng bào đạt bản chân

Nếu nghĩ Thiền nằm trong lời nói Thì thân châu mệnh: táng xuống trần

Ta – Phần Dương Chiêu mở mê lộ

Mây tan, trời trăng mới, ngày dài

Trên đây là bài tụng của công án Hương nghiêm thượng thụ (香嚴上樹) trong sách Thiền môn khai ngộ thi nhị bách thủ (禪門開悟詩二百首) của thiền sư Phần Dương Chiêu (汾阳昭). Nội dung công án: Hoà thượng Hương nghiêm nói (với môn đệ) như sau: “Cái quan trọng của thiền vốn giống như người leo cây. Miệng ngoạm lấy cành cây, thân treo lủng lẳng, tay không bám tới cành, chân không đạp được cành. Lúc đó nếu có người đứng bên hỏi: “Lúc Đạt Ma ở Thiên Trúc qua thì bản tâm của ngài như thế nào?” Người đó không mở miệng trả lời thì phụ lòng kẻ hỏi, nhưng nếu trả lời thì sẽ rơi từ trên cây xuống mất mạng. Giữa lúc như thế, thử hỏi phải đáp làm sao?”. Vô Môn mới bàn về công án trên rằng: “dầu có lời biện luận khúc chiết đều không dùng được, giảng được một tạng kinh lớn cũng vô ích” vì vốn dĩ đạo nằm ngoài lời, càng giảng càng xa đạo.

西 方 不 用 學 多 端

一 句 彌 陀 在 反 觀

見 得 本 來 真 面 目

始 知 生 死 即 泥 洹

Tây phương bất dụng học đa đoan

Nhất cú Di Đà tại phản quan

Kiến đắc bản lai chân diện mục

Thuỷ tri sanh tử tức Niết Bàn

Tây phương chẳng dụng học đa đoan

Một tiếng Di Đà – được tâm an

Thấy được gương mặt xưa nay đó

Mới hay sanh tử tức Niết Bàn

Bốn câu kệ trên được trích trong sách Quy nguyên trực chỉ, quyển thượng, trong đó có những ẩn dụ của nhà Phật như 本來面目(Bổn lai diện mục – Gương mặt từ xưa đến nay). Đây là một ẩn dụ nổi tiếng trong Thiền tông, được dùng để chỉ Phật tính, Chân như trong mỗi chúng sinh. Thấy được “Bổn lai diện mục” tức là thấy được Phật tính, là kiến tính, là ngộ được bản tính thanh tịnh sẵn có.

了 了 了 見 無 一 物

亦 無 人 兮 亦 無 佛

大 千 沙 界 海 中 漚

一 切 聖 賢 如 電 拂

Phiên âm:

Liễu liễu liễu kiến vô nhất vật

Diệc vô nhân hề diệc vô Phật

Đại thiên sa giới hải trung âu Nhất thiết thánh hiền như điện phất Tạm dịch:

Thấu suốt rồi: thấy không một vật

Không phải người cũng không phải Phật

Hà sa thế giới như bọt biển

Tất cả thánh hiền như điện chớp

Bốn câu trên trích trong Vĩnh Gia chứng đạo ca (永嘉證道歌) – Bài ca về sự trực nhận chân lý của thiền sư Vĩnh Gia (665 – 713, thiền sư đời Đường). Tác phẩm này chứa đựng những khái niệm căn bản của Pháp Bảo Đàn Kinh, của các bộ kinh thuộc hệ Bát Nhã ba la mật đa. Trong chùa có thêm 2 chữ: chữ了(liễu) ở câu đầu và

chữ 兮 (hề) ở câu thứ 2 để thành một bài thất ngôn tứ tuyệt.

3. Bài vãn

Ngoài hệ thống câu đối và các bài thơ thiền, các bài kệ, bài tụng, trong di sản văn hóa Hán Nôm tại chùa Hội Khánh phải kể đến bài vãn đặc sắc chỉ có tại chùa. Đó là bài vãn của chúng đệ tử khóc hòa thượng Từ Văn, được khắc trên bình phong tại mộ tháp của ngài. Nguyên văn bài vãn như sau:

孝 徒 衆 等 志 心 泣 寂本 師 乆 住 世利 樂 諸 有情

親 承 遺 教 命

告戒 至 叮 嚀

一 切 有 為 法焉 能 乆 其 形童 年 悟 正 道

合 覺 以 歸 眞

歷 堦 禅 上 瘞辦 才 乆 經 营安 住 會 慶 寺

今 已 四 十 年

所 作 皆 已 辨不 乆 住 化 城茲 者 示 寂 滅

法忍 證 無 生

佛 佛 皆 如 此同 歸 安 養 鄉

衆 等 同 圍 繞

號 泣 哽 無 聲

師 早 辞 本 道

師 速 離 衆 僧

携 履 歸 西 域

浮 杯 度 南 京

伊 誰 聞 戒 律

伊 誰 門 論 經

法 乳 恩 最 重

成 栽 德 匪 輕

悠 悠 天 罔 極

滄 海 亦 溟 溟

西 方 真 有 感

庶 享 子 克 誠

 

Phiên âm:

Hiếu đồ chúng đẳng chí tâm khấp tịch

Bổn sư cửu trụ thế

Lợi lạc chư hữu tình

Thân thừa di giáo mệnh

Cáo giới chí đinh ninh Nhất thiết hữu vi pháp

Yên năng cửu kỳ hình

Đồng niên ngộ chính đạo

Hợp giác dĩ quy chân

Phật phật giai như thử

Đồng quy an dưỡng hương

Chúng đẳng đồng vi nhiễu

Hào khấp ngạnh vô thanh

Sư tảo từ bổn đạo

Sư tốc ly chúng tăng

Huề lý quy tây vực

Phù bôi độ nam kinh

Y thuỳ văn giới luật

Y thuỳ môn luận kinh

Lịch giai thiền thượng ế Biện tài cửu kinh doanh

An trụ hội khánh tự

Kim dĩ tứ thập niên

Sở tác giai dĩ biện

Bất cửu trụ hoá thành

Từ giả thị tịch diệt

Pháp nhẫn chứng vô sanh Pháp nhũ ân tối trọng

Thành tài đức phỉ khinh

Du du thiên võng cực

Thương hải diệc minh minh

Tây phương chân hữu cảm

Thứ hưởng tử khắc thành

 

Tạm dịch:

Chúng đồ đệ thành tâm khóc thầy

Thầy nhiều năm tại thế

Lợi lạc khắp chúng sinh

Thân này nhận mệnh giáo

Răn dạy thật chí tình

Tất thảy có là pháp

Từ lâu đã định hình

Tuổi nhỏ ngộ chính đạo

Giác ngộ về Niết Bàn

Các bậc thiền ngầm trải

Tài thuyết sớm vang danh

Ở tại chùa Hội Khánh Nay đã bốn mươi năm

Trước tác truyền khắp chốn

Chẳng ngụ lâu trần gian

Hoà thượng Từ Văn tịch

Tin chịu lý “vô sanh”

Phật Phật đều như thế Cùng tới chốn an lành

Chúng đệ tử vây quanh

Nức nở không thành tiếng

Thầy sớm từ bổn đạo

Thầy sớm lìa chúng tăng

Quải dép về tây vực

Thả chén tới nam kinh

Ai người hỏi giới luật/ Còn ai (để)

hỏi giới luật?

Ai người luận kinh văn/ Còn ai

(để) đàm luận kinh văn?

Mớm pháp ân tối trọng

Nuôi lớn đức chẳng quên

Dằng dặc miền võng cực

Mênh mông nơi biển khơi

Tây phương thực cảm ứng

Hưởng dâng cúng tận thành

Bài vãn đã nói lên hành trạng, ca ngợi đức độ và niềm thương tiếc của chúng đệ tử với đại lão hòa thượng Từ Văn. Trong kho tàng văn học Hán Nôm Phật giáo tại Bình Dương đây là ngôi mộ tháp duy nhất có thể loại vãn này, góp phần tạo nên giá trị độc đáo của chùa Hội Khánh. Hành trạng của hòa thượng Từ Văn được thể hiện khá rõ qua bài vãn. Hòa thượng xuất gia học đạo khi mới 11 tuổi “Tuổi nhỏ ngộ chính đạo”, trải qua nhiều năm tu học với nhiều vị cao tăng nổi danh thời bấy giờ, năm 29 tuổi, hòa thượng trụ trì chùa Hội Khánh và đảm nhiệm chức vụ này 40 năm cho tới khi viên tịch “Ở tại chùa Hội Khánh. Nay đã bốn mươi năm”. Hòa thượng Từ Văn sớm nổi danh

với tài thuyết pháp, từng được chính quyền thực dân Pháp mời làm sám chủ lễ cầu siêu cho những binh lính đi đánh thuê cho Pháp bị tử trận tại Marseille (Pháp). Sau sự kiện này, các nhà chức trách cũng như tăng tín đồ tôn xưng và gọi hòa thượng là Hòa thượng Cả. Hòa thượng Từ Văn rất chăm lo với Phật sự, có công lớn trong phong trào chấn hưng Phật giáo và đào tạo được nhiều tăng sĩ nổi danh, trong đó có hòa thượng Từ Tâm, hòa thượng Thiện Hương, hòa thượng Mỹ Định “Mớm pháp ân tối trọng. Nuôi lớn đức chẳng quên”. Hòa thượng còn là một nhà sư yêu nước với tư ưởng Đạo phải gắn với đời, đã từng thành lập nhiều tổ chức yêu nước và cùng với Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và nhà cách mạng Phan Đình Viện thành lập nên Hội Danh dự yêu nước tại chùa Hội Khánh.

Chùa Hội Khánh là ngôi chùa còn lưu giữ được số lượng mộ tháp nhiều nhất trong các ngôi chùa ở Bình Dương. Mộ tháp trong chùa là mộ tháp của các vị cao tăng đã từng trụ trì tại chùa. Mộ tháp trong chùa, ngoài bài vị ghi tên, tuổi, ngày sinh, ngày mất còn có những câu đối ca ngợi công lao hay hành trạng của các vị cao tăng. Nội dung Hán Nôm trong chùa hầu hết là những bài thơ, bài kệ được trích dẫn từ sách vở kinh điển như Tây phương bách vịnh, Sơn cư bách vịnh, tuyển tập các bài thơ Thiền của Trần Nhân Tông… là những lời vàng ý đẹp trong thơ thiền. Đặc biệt, tại mộ tháp của hoà thượng Từ Văn có bài vãn về hoà thượng Từ Văn thể hiện tình cảm sâu nặng của đệ tử với thầy do chúng đồ đề trong chùa chắp bút. Về tự dạng, chữ Hán trong chùa Hội Khánh đa số viết thể chữ Khải, được bảo quản tốt nhưng một số vị trí bị rêu đóng, bị mòn, bị sập nên không rõ nội dung Hán Nôm được thể hiện trên đó. Trong giới hạn bài viết, chúng tôi chỉ giới thiệu một số nội dung Hán Nôm tiêu biểu trong các mộ tháp tại chùa để một lần nữa khẳng định giá trị văn hóa có một không hai của Tổ đình Hội Khánh.

Tác giả: Đỗ Thanh / hình ảnh: Quí Nguyễn

Tài liệu tham khảo

  1. Thích Quảng Độ (dịch giải), Phật Quang đại từ điển, pdf.
  2. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2004), Từ điển Phật học Hán Việt, NXB

Khoa học Xã hội.

  1. Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bình Dương (2008), Bình Dương danh lam cổ

tự.

  1. Trần Hồng Liên (chủ biên), Phật giáo ở Bình Dương: hiện trạng và lịch sử,

NXB Phương Đông.

  1. Thích Huệ Thông (2015), Lịch sử Phật giáo Bình Dương, NXB Văn hoá

Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh.

  1. Thích Thanh Từ, Thiền tông bản hạnh giảng giải, pdf.
Ngày đăng: 3 Tháng Ba, 2023 người đăng Quí Nguyễn