Nhiệm kỳ VI

Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương góp ý kiến cho dự thảo văn kiện Đại hội Đ�
* HT. Thích Minh Thiện – Trưởng Ban trị sự Phật giáo Tỉnh

“Phật giáo Bình Dương rất hoan hỷ và chia sẻ với những thành tựu đã được theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa VIII. Với tư cách là người lãnh đạo giới Phật giáo Bình Dương, chúng tôi xin có vài ý kiến đóng góp vào dự thảo văn kiện như sau:
– Văn kiện nên nêu ra vai trò và tính quan trọng của nền tảng văn hóa mang bản sắc truyền thống tốt đẹp của dân tộc, điều này trong nhiều năm qua có nhiều chương trình, nhiều chủ trương và nhiều phong trào phát động về việc giữ gìn phát huy truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam, nhưng chưa đi đến kết quả như mong muốn. Sự phát triển kinh tế có thể là mũi nhọn là nền tảng để đưa Bình Dương và cả nước cùng hòa nhập vào sự phát triển kinh tế của khu vực và thế giới, nhưng nếu thiếu định hướng song hành của sự phát triển văn hóa thì xem như sự phát triển kinh tế không bền vững. Đề nghị nên có định hướng chương trình cụ thể cho nền tảng phát huy văn hóa dân tộc theo tinh thần học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, chương trình và định hướng cụ thể cho sự phát triển văn hóa giữ gìn bản sắc dân tộc, điều này đồng nghĩa với sự góp phần hạn chế mặt trái của nền kinh tế thị trường. Cần phải đưa vào dự thảo văn kiện của Đại hội Đảng một cách cụ thể, có tính khã thi, có khen thưởng, có kỷ luật gắn với tinh thần trách nhiệm của các cấp lãnh đạo.
Trong dự thảo phương hướng cho sự phát triển kinh tế dịch vụ và quy hoạch các khu đô thị, đề nghị nên có định hướng và quan tâm đến quy hoạch cho việc hưởng thụ văn hóa tâm linh trong các khu đô thị, dân cư đa được quy hoạch. Văn hóa tính ngưỡng tâm linh là một loại hình văn hóa không thể thiếu đối với một bộ phận người dân khi nền kinh tế được phát một cách đầy đủ. Khi có định hướng quy hoạch một cách cụ thể sẽ giúp cho người dân hưởng thụ đời sống tâm linh vừa đúng với xây dựng quy hoạch vừa đúng với pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo. Đây có thể được xem là sự phát triển toàn diện ổn định và lâu dài.
Chúng tôi rất hy vọng và đặt niềm tin trọn vẹn vào sự lãnh đạo của Tỉnh Đảng bộ Bình Dương khóa IX sẽ có đầy đủ bản lĩnh đầy trí tuệ và nghị lực để đưa Bình Dương từng bước phát triển bền vững góp phần phát triển chung của đất nước và sẽ là một thành phố hiện đại bậc nhất trong tương lai.

* TT Thích Huệ Thông – Phó Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ 9 (Nhiệm kỳ 2010 – 2015) được tiến hành trong không khí toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang ra sức thi đua thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cùng với những thành tựu đã đạt được trong nhiệm kỳ 5 năm qua, có thể nói đây là những thuận lợi vô cùng to lớn để BCH Đảng bộ tỉnh Bình Dương triển khai và thực hiện thắng lợi Nghị quyết trong nhiệm kỳ sắp dến.
Trong vai trò lãnh đạo của Đảng, thì Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương luôn là một sự kiện chính trị có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trước hết, đây là đại hội của trí tuệ, của tư tưởng đạo đức và ý chí cách mạng, nhằm thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh chính trị và phát triển kinh tế văn hóa xã hội trên địa bàn tỉnh. Sâu xa hơn, đây còn là Đại hội của tầm nhìn xuyên suốt, đoàn kết nhất quán, phát huy tư tưởng tiến công cách mạng trong giai đoạn đất nước đổi mới, mở cửa hội nhập với không ít khó khăn và thách thức.
Nhân đây cho phép tôi chân thành bày tỏ niềm tin tưởng và lòng tri ân lên quý cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Trước thềm Đại hội, với tư cách là một tu sĩ phật giáo, tôi xin mạo muội đóng góp một vài ý kiến:
1. Đường lối phát triển kinh tế bền vững của Đảng ta hiện nay là song hành với bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, đồng thời gắn kết với việc hoàn thiện môi trường. Trước đặc điểm tình hình đất nước đang đứng trước những nguy cơ tiềm ẩn do biến đổi khí hậu gây ra rất là nghiêm trọng, thì việc bảo vệ môi trường sinh thái là một nội dung hết sức cấp bách, do vậy chúng ta không chỉ dừng lại việc giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm ô nhiễm môi trường tại các nhà máy xí nghiệp, mà còn xây dựng một nếp sống văn minh hiện đại trong nhận thức và trong hành động của người dân đối với môi trường. Nhà nước nên mở cuộc vận động lớn để mọi người dân bắt tay vào hành động cụ thể nhằm ngăn chặn nguy cơ do hậu quả biến đổi khí hậu gây ra trong mọi khả năng có thể, chẳng hạn như tiết kiệm điện năng, sử dụng các thiết bị điện cũng như nguồn nước một cách hợp lý, mở rộng diện tích trồng rừng… Chúng tôi đề nghị dự thảo văn kiện cần mở rộng nội dung này và đưa vào định hướng phát triển kinh tế xã hội bền vững và xem đây là yếu tố quan trọng cho sự phát triển kinh tế trong nhiệm kỳ
tới.
2. Kể từ khi đất nước mở cửa gia nhập tổ chức thương mại thế giới, Việt Nam thật sự hòa nhập vào sân chơi lớn của nền kinh thế thị trường, bên cạnh những thuận lợi như kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng cao, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức về an ninh văn hóa và chính trị xã hội.
Trong thời gian qua, thực tế cho thấy dù lớp trẻ có trình độ học vấn nhất định, nhưng do nghèo thiếu chất liệu văn hóa dân tộc, dẫn đến yếu kém lập trường tư tưởng và tinh thần dân tộc, nên đã bị các thế lực thù địch đầu độc, dẫn dắt và sai khiến . Qua đó chúng ta thấy rằng, việc nâng cao ý thức dân tộc trên mặt trận văn hóa tư tưởng một cách sâu rộng trong toàn dân là điều cấp thiết. Một điều cũng cần lưu ý nữa, thế hệ trẻ được trưởng thành và được sống trong thời kỳ đất nước hòa bình, dù các em vẫn tha thiết yêu tổ quốc, yêu đồng bào, nhưng chắc chắn là các em sẽ khó nhận ra kẻ thù xâm lược đang ẩn nấp ở đâu và đằng sau những luận điệu dân chủ nhân quyền rất tinh vi và cực kỳ nguy hiểm đang tàn phá ý thức hệ dân tộc Việt từng phút từng giây trên mạng internet .Trên dòng chảy thời hội nhập, các em dễ dàng thổn thức khi một ngôi sao vừa mới qua đời và cũng dễ vô cảm trước cảnh bất hạnh đau thương của những người thân… Một khi đã trưởng thành với ý chí và tư duy độc lập, cộng thêm là sự mơ hồ ngờ ngệch trước kẻ thù thời hiện đại, đồng thời muốn chứng tỏ mình là bản năng tuổi trẻ, điều này khiến cho thế hệ trẻ Việt Nam thực sự trở thành điểm ngắm của các thế lực thù địch bên ngoài, nếu các em không nhận thức một cách đầy đủ, đúng nghĩa tinh thần yêu nước và ý thức dân tộc. Đây là bài toán nan giải nhưng đáp án thì không thể chậm trể được, nhất là trong bối cảnh hội nhập với nhiều thách thức và nguy cơ như hiện nay. Thiết nghĩ, nếu chúng ta đã thành công trong việc phát triển nền kinh tế thị trường trên cơ sở định hướng xã hội chủ nghĩa, thì chúng ta cũng nên có những thông tin kịp thời về nền dân chủ và nhân quyền trên cơ sở pháp luật và định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là đối với giới trẻ, thành phần được xem là nhạy cảm với hàng ngàn thông tin đa chiều trên mạng. Khi giới trẻ thật sự có được niềm tự hào dân tộc thì không có một thế lực thù địch nào có thể lung lạc ý chí và tinh thần dân tộc của các em. Do vậy chúng tôi đề nghị dự thảo văn kiện cần có phương hướng cụ thể về việc nâng cao ý thức dân tộc trong toàn dân, đặc biệt là trong giới trẻ, vì đây là nhiệm vụ hàng đầu trong việc giữ gìn trật tự trị an và phát huy vai trò quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc trong giai đoạn đất nước mở cửa hội nhập.

Trong thời gian qua, Nhà Nước ta phát động chủ trương “Người Việt dùng hàng Việt”, đã được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng, trước hết tôi cho rằng đây là một chủ trương hết sức đứng đắn và kịp thời của Đảng và Nhà nước. Còn trên mặt trận văn hóa tư tưởng, tinh thần dân tộc đã được giáo dục định hướng như thế nào? Đại bộ phận người dân đã thật sự nhận thức tinh thần dân tộc từ các lãnh vực văn học nghệ thuật, văn hóa lễ hội? Hay chỉ hưởng ứng vì lợi nhuận và chạy theo phong trào của một thiểu số trong nhân dân? Chúng ta làm thế nào để phát huy lòng yêu nước và khơi dậy tinh thần dân tộc trong toàn xã hội trên mặt trận chủ lực này?
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ 9 (Nhiệm kỳ 2010 – 2015) được tiến hành trong lúc cả nước phấn khởi tự hào hướng về thủ đô Hà Nội tổ chức sự kiện 1000 năm Thăng Long. Trong suốt chiều dài lịch sử Phật giáo đồng hành cùng dân tộc, chúng tôi tự tin khẳng định rằng, nói đến dân tộc Việt Nam tức là nói đến Phật giáo Việt Nam, và ngược lại… Quả thật như vậy, trong quá khứ Phật giáo Việt Nam đã kiến lập nên triều đại nhà Lý, đã đưa dân tộc Việt Nam trở thành đất nước Đại Cồ Việt, rồi phát triển vượt bật hơn nữa để trở thành Đại Việt, một quốc gia bất khả chiến bại với bất kỳ đoàn quân xâm lược hùng mạnh nào, thì hiện tại phật giáo cũng sẽ đồng hành cùng dân tộc trên phương châm “ Đạo pháp, Dân tộc, Chủ nghĩa Xã hội”.