Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương tham dự Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam năm 2023
TT PG Bình Dương- Sáng ngày 19/5/2023, tại Văn phòng Ban Thường trực – Thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), Ban Thường trực Hội đồng Trị sự tổ chức khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam (các tỉnh thành từ Quảng Trị đến Cà Mau) nhằm triển khai Phật sự quan trọng.
Đức Pháp chủ GHPGVN – Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng quang lâm chứng minh, cùng chư tôn giáo phẩm Ủy viên Thường trực, Thành viên Hội đồng Chứng minh; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn- Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự T.Ư; Hòa thượng Thích Huệ Thông- Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Pháp chế T.Ư; Thượng tọa Thích Đức Thiện (kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự); Thượng tọa Thích Phước Nguyên- Phó Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự kiêm Chánh Văn phòng II T.Ư, cùng chư tôn đức Hội đồng Trị sự, Văn phòng II T.Ư, các ban, Viện T.Ư, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh thành, Phân ban Ni giới T.Ư.
Đại diện các cơ quan trung ương và TP.HCM có ông Vũ Hoài Bắc- Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ; bà Phạm Thanh Tuyền- Phó Trưởng ban Công tác phía Nam UBTƯMTTQVN; ông Cao Hồng Hưng- Phó Vụ trưởng cơ quan thường trực Ban Dân vận T.Ư tại TP.HCM; bà Phan Kiều Thanh Hương- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM, cùng đại diện Sở, ban, ngành TP.HCM tham dự.Phát biểu khai mạc hội nghị, Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Tổ chức nêu mục tiêu của Hội nghị sinh hoạt Giáo hội lần này, khẳng định thành tựu hoạt động Phật sự nổi bật của GHPGVN, Ban, Viện T.Ư, Ban Trị sự các tỉnh, thành phố trong những tháng đầu năm 2023 trên các lĩnh vực.“Trên tinh thần Kỷ cương – Trách nhiệm – Đoàn kết – Phát triển, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự rất mong chư tôn đức và quý vị đại biểu tập trung góp ý, đánh giá tổng kết công tác Phật sự trong những tháng đầu năm 2023 của GHPGVN nhằm phân tích, chỉ ra những nhân tố tích cực đưa đến thành tựu các Phật sự, tìm hiểu những nguyên nhân khách quan, chủ quan, hạn chế trong các hoạt động Phật sự. Từ cơ sở đó, Giáo hội hoàn thiện phương hướng hoạt động Phật sự cho những tháng còn lại của năm 2023, là một năm vô cùng quan trọng, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội IX đã đề ra, để Phật giáo Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững và tỏa sáng trong tương lai cũng như hội nhập trên trường quốc tế”Tại hội nghị, Thượng tọa Thích Đức Thiện- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự trình bày tóm tắt hoạt động Phật sự các tháng đầu năm 2023.
“Giáo hội đã luôn đổi mới, luôn sát sao chỉ đạo các Phật sự bằng sự vận dụng trí tuệ tập thể, tinh thần hòa hợp, đoàn kết, phát huy tính sáng tạo, giữ vững niềm tin Đạo pháp của các thành viên Tăng Ni, Phật tử cả nước”
Ban đạo từ tại hội nghị, Đức Pháp chủ GHPGVN, thống nhất với báo cáo thành tựu Phật sự những tháng đầu năm 2023 và chương trình hoạt động Phật sự 6 tháng cuối năm 2023 của GHPGVN. Ngài tán thán việc Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đã kiện toàn nhân sự GHPGVN các cấp, Ban, Viện T.Ư và đạt hiệu quả cao.
Ngoài ra Ban Trị sự các địa phương cần quan tâm hơn nữa về tiêu chuẩn chọn người xuất gia, thọ giới; nêu cao trách nhiệm của bổn sư, nghiệp sư, y chỉ sư trong việc giới thiệu đệ tử cho xuất gia, thọ giới, tham gia vào Tăng đoàn, đây là vấn đề quan trọng và tin tưởng tất cả các vị lãnh đạo Giáo hội, lãnh đạo các Ban Trị sự GHPGVN địa phương cần quán triệt vấn đề này.
Với sự trân quý, các lẵng hoa tưới thắm đã trang nghiêm gữi tới chúc mừng thành công Hội nghị sinh hoạt Giáo hội phía nam năm 2023
Tại hội nghị, Hòa thượng Thích Thiện Thống- Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Tăng sự T.Ư triển khai Quy chế Ban Tăng sự T.Ư;
Hòa thượng Thích Huệ Thông- Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự triển khai 12 mục tiêu, chương trình hoạt động Phật sự của GHPGVN đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc khóa IX nhiệm kỳ 2022-2027, 12 mục tiêu bao gồm:
1. Nêu cao kỷ cương, giới luật, gắn liền trách nhiệm trong mọi hoạt động Phật sự của Tăng Ni, Phật tử là trên hết, trước hết. Nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp, xây dựng, phát triển Giáo hội vững mạnh trong hội nhập quốc tế. Vững vàng kiên định trên con đường phụng sự theo lý tưởng: Đạo pháp – Dân tộc – CNXH.
2. Nâng cao năng lực quản trị hành chính và điều hành hoạt động Phật sự của Giáo hội. Xây dựng Giáo hội số theo xu thế thời đại. Kiện toàn và hoàn thành các trung tâm điều hành điện tử của hai văn phòng Trung ương Giáo hội và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các địa phương.
3. Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam không ngừng phát huy tinh thần yêu nước, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Hưởng ứng tham gia các phong trào thi đua ích nước, lợi dân, ích đạo, lợi đời, chung tay cùng đồng bào và Nhân dân cả nước phấn đấu cho mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn mình.4. Đẩy mạnh sự nghiệp hoằng dương giáo pháp của Đức Phật vào mọi mặt của đời sống xã hội. Đổi mới, sáng tạo trong phương thức hướng dẫn tín đồ Phật tử. Hướng dẫn các pháp môn thực hành của Phật giáo phù hợp với xã hội hiện đại, với mọi tầng lớp trong xã hội góp phần chăm sóc sức khỏe tinh thần, xây dựng và làm đẹp nền đạo đức xã hội.
5. Phát huy tinh thần nhập thế của đạo Phật, đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục Phật giáo trên cả hai lĩnh vực: đào tạo Tăng Ni và tham gia vào nền giáo dục xã hội. Nâng cao chất lượng đào tạo, đa dạng loại hình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy và thực hành giáo pháp tại các cơ sở đào tạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
6. Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam đảm bảo có sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong thời đại hội nhập quốc tế.
7. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, quan hệ Phật giáo quốc tế theo định hướng với ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân. Chủ động, tích cực trong quan hệ đối ngoại với các tổ chức Phật giáo và tổ chức tôn giáo thế giới. Kiện toàn, mở rộng và kết nối chặt chẽ với các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài.
8. Mở rộng và thúc đẩy công tác nghiên cứu Phật học tại các Viện, Trung tâm nghiên cứu Phật học của Giáo hội Việt Nam. Hợp tác và liên kết nghiên cứu Phật học với các cơ sở nghiên cứu, trường đại học ở trong nước và nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng học thuật Phật giáo. Tập trung nghiên cứu có định hướng, khẳng định và làm nổi bật tinh hoa, bản sắc của Phật giáo Việt Nam.
9. Tăng cường công tác pháp chế, giám sát, kiểm soát các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội. Quản lý chặt chẽ sinh hoạt tự viện, sinh hoạt của Tăng Ni theo đúng Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và pháp luật Nhà nước.
10. Xây dựng nền tảng chuyển đổi số của Giáo hội Phật giáo Việt Nam phù hợp và tương thích vó công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Nâng cao hiệu quả và đẩy mạnh hơn nữa truyền thông Phật giáo là kênh hoằng pháp và chuyển tải các hoạt động Phật sự vào đời sống xã hội nhằm nêu cao giá trị từ bi, trí tuệ của Đạo Phật, hình ảnh tốt đẹp của Tăng Ni, Phật tử, của tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp trong sự nghiệp phụng đạo, yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
11. Phát huy tinh thần từ bi của đạo Phật, không ngừng đẩy mạnh công tác từ thiện xã hội. Kêu gọi Tăng Ni, tín đồ Phật tử tích cực tham gia, hưởng ứng phong trào xóa đói giảm nghèo, chăm lo công tác an sinh xã hội.
12. Lan tỏa triết lý Phật giáo trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân. Xây dựng đội ngũ doanh nhân Phật tử hướng tới tự chủ tài chính trong các hoạt động Phật sự của Giáo hội qua việc xây dựng mô hình kinh tế Phật giáo ở những lĩnh vực hợp lý, khuyến khích phát triển kinh tế tự túc của các cơ sở tự viện.Đại diện cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo, ông Vũ Hoài Bắc- Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ phát biểu tại hội nghị ghi nhận và trân trọng đánh giá cao những thành tựu Phật sự của GHPGVN trong những tháng đầu năm 2023.
Quí Nguyễn
Thường trực Ban biên tập.