Bình Dương: Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thắp hương tưởng niệm Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Tổ đình Hội Khánh

PGBD – Sáng ngày 21/02/2023, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội làm Trưởng đoàn Đoàn công tác của Quốc hội cùng các thành viên Ủy ban QP-AN Quốc hội Khóa XV, đã đến thăm và thắp hương tưởng niệm Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Tổ đình Hội Khánh (phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một).

Thân mật đón tiếp đoàn đến thăm có: Hòa thượng Thích Huệ Thông – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Pháp chế Trung ương, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương; HT. Thích Thiện Duyên – Ủy viên HĐTS, Phó ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh.

Tại đây, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng đã ân cần thăm hỏi sức khỏe đến chư Tôn đức Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương và tín đồ Phật tử luôn hạnh phúc, thành công tốt đẹp các công tác Phật sự trong năm 2023, luôn có nhiều đóng góp tích cực trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động và đặc biệt là các hoạt động từ thiện, chăm lo, giúp đỡ những người dân gặp khó khăn trên địa bàn tỉnh Bình Dương, góp phần không nhỏ cùng địa phương thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội.

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội ân cần thăm hỏi sức khỏe đến chư Tôn đức Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương

Dịp này, Hòa thượng Thích Huệ Thông bày tỏ niềm hoan hỷ khi được đón tiếp phái đoàn đến thăm Tổ đình Hội Khánh – ngôi chùa này cũng là nơi lưu dấu cụ Nguyễn Sinh Sắc từng tới hoạt động, gây dựng phong trào yêu nước. Qua đó, Hòa thượng đã chia sẻ về lịch sử ngôi chùa.

Hòa thượng Thích Huệ Thông – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Pháp chế Trung ương, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương chia sẻ về lịch sử Tổ đình Hội Khánh – ngôi chùa này cũng là nơi lưu dấu cụ Nguyễn Sinh Sắc từng tới hoạt động, gây dựng phong trào yêu nước

Theo những tư liệu – di tích lịch sử tại Bảo tàng tỉnh Bình Dương và nghiên cứu của Hòa thượng Thích Huệ Thông: Tổ đình Hội Khánh nằm  ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, là một di tích văn hóa lịch sử mang vẻ đẹp u trầm, cổ kính. Chùa  do Đại Ngạn Thiền sư xây dựng năm 1741. Năm 1923 – 1926, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Hồ Chủ tịch) đã đến đây. Cùng với Hòa thượng Từ Văn – vị trụ trì thứ 6 chùa Hội Khánh, một nhà sư uyên thâm Phật học và có tinh thần yêu nước, cụ Nguyễn Sinh Sắc và nhà yêu nước Tú Cúc Phan Đình Vũ lập ra Hội danh dự yêu nước để truyền bá tư tưởng yêu nước. Ở đây cụ Sắc dạy chữ Hán, giảng kinh Phật… nhưng chủ yếu là để truyền bá tư tưởng yêu nước. Năm 1926, Pháp phát hiện hoạt động yêu nước ở chùa Hội Khánh và theo dõi, cụ Sắc rời khỏi Thủ Dầu Một. Hiện nay, ở chùa còn lưu lại đôi câu đối do cụ Sắc viết. Nội dung hai câu đối như sau: Đại đạo quảng khai, thố giác khêu đàm để nguyệt/ Thiền môn giáo dưỡng, quy mao, thằn thụ đầu phong. Nghĩa là: Mở rộng đạo lớn như sừng thỏ, như mò trăng đáy nước; Nuôi dưỡng mái chùa như lông rùa, như cột gió đầu cây.

Ngoài ra cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc còn để lại cuốn sổ coi địa lý và cái la bàn, hiện được lưu bày ở Bảo tàng tỉnh Bình Dương. Nội điện chùa Hội Khánh có trang thờ Hồ Chủ tịch, sau hậu điện có một gian phòng trưng bày hình ảnh về gia đình cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và một số kỷ vật liên quan như cuốn sách coi địa lý, la bàn.

Trong thời gian ở tại Tổ đình Hội Khánh, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc còn đi đến các vùng lân cận như Tân Khánh, Tương Bình Hiệp để truyền bá Hội Danh dự yêu nước, đàm đạo về Y thuật, Phật học… Những hoạt động yêu nước, tấm lòng nhân hậu, thương người của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân nơi đây.

Tổ đình Hội Khánh có kiến trúc kiểu Nam Bộ trùng thềm trùng lươn (tức là nối sát nhau liên tục). Cấu trúc chùa gồm: tiền điện, chính điện, hậu tổ, giảng đường, đông lan, tây lan. Cổng chùa được đắp bằng những hình nổi làm bằng sành sứ màu, sau này chùa còn được xây thêm tháp đựng kinh sách. Tháp khá cao và nhìn như một Tàng kinh các của một chùa Thiếu lâm tự. Trong khuôn viên của chùa Hội Khánh có bức tượng Phật nằm và các đệ tử quỳ bên cạnh. Tượng làm bằng đá trắng cẩm thạch rất đẹp. Trong khuôn viên chùa còn có một nhóm tượng mô tả lại cảnh Thái tử Tất Đạt Đa thành Phật.

Chùa Hội Khánh được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 1993.

Hòa thượng Thích Huệ Thông trao tặng đến đoàn tác phẩm của mình: KỶ YẾU HỘI THẢO THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP CỤ PHÓ BẢNG NGUYỄN SINH SẮC

Đoàn Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thắp hương tưởng niệm Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chụp ảnh lưu niệm

Ban TT-TT PG Bình Dương

Ngày đăng: 23 Tháng Hai, 2023 người đăng chucnghia09